Theo báo cáo vĩ mô mới công bố của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhóm phân tích cho biết Ngân hàng Nhà nước có thể tăng thêm lãi suất điều hành ít nhất 50-100 điểm cơ bản trong quý IV/2022 đến quý I/2023.
Riêng trong tháng 10/2022, tiền VNĐ đã mất giá 4,1% so với đồng USD, gần xấp xỉ mức mất giá của tiền VNĐ trong suốt 9 tháng đầu năm.
Trước áp lực tỉ giá tăng cao, NHNN đã nâng lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản. Trong tuần cuối tháng 10, tỉ giá nhìn chung đã ổn định trở lại và tỷ giá USD/VND cũng không phản ứng nhiều sau quyết định nâng lãi suất 75 điểm cơ bản của Fed vào ngày 02/11/2022.
Hiện tại, lãi suất điều hành đã trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm 2019, dư địa tăng tiếp lãi suất điều hành sẽ tùy thuộc vào diễn biến áp lực các yếu tố bên ngoài (Fed, diễn biến chỉ số DXY, đồng NDT); lạm phát trong nước; áp lực mất giá của tiền đồng (cung-cầu ngoại tệ, triển vọng cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối, thanh khoản tiền đồng).
Về trái phiếu doanh nghiệp, sự kiện Vạn Thịnh Phát (VTP) vào đầu tháng 10/2022 là một cú sốc tiếp nối đối với nhà đầu tư trái phiếu. Rồng Việt cho biết, việc mua lại trước hạn phần nào giúp giảm bớt quy mô đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, tuy nhiên, áp lực thời gian và quy mô trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn còn khá lớn.
Tuy nhiên, VDSC cho rằng mức độ rủi ro sẽ tùy thuộc vào quy mô rủi ro thanh khoản của SCB và kết cấu mạng lưới của VTP-SCB trong hệ thống ngân hàng.
Rồng Việt nhận định tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong tháng 10/2022 là chỉ báo kém tích cực cho triển vọng tăng trưởng quý IV/2022.
Dữ liệu kinh tế tháng 10 đã báo hiệu sự chững lại trong tăng trưởng khi tăng trưởng sản xuất công nghiệp đạt 5,7%, thấp hơn đáng kể mức tăng đã điều chỉnh là 9,6% trong tháng 9/2022, đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất từ đầu năm đến nay.
Báo cáo của VDSC đã chỉ ra, dù bức tranh của lĩnh vực dịch vụ nhìn chung tốt hơn lĩnh vực sản xuất nhưng tốc độ phục hồi đã chững lại.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 1,5% so với tháng trước và 17,2% so với cùng kỳ. Theo nhóm hàng, doanh thu bán lẻ thực phẩm 10 tháng tăng trưởng 9,8% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 11,4% của 9 tháng. Trong khi đó, sự phục hồi của lĩnh vực dịch vụ ăn uống, lưu trú và du lịch không duy trì được lâu, doanh thu bán lẻ của hai nhóm hàng này lần lượt tăng trưởng âm 2,1% và 8,6% so với tháng trước.
VDSC cho rằng doanh thu bán lẻ tăng chậm lại có tác nhân đến từ việc áp lực giá cả tăng lên trong tháng 10/2022, giá cho thuê nhà tăng 8,9% so với tháng trước, giá dịch vụ giáo dục (học phí) tăng 2,6%, giá lương thực thực phẩm ghi nhận tháng thứ 6 tăng liên tiếp (0,13% so với tháng trước). Riêng tháng 10, lạm phát chung và lạm phát lõi đã tăng lần lượt 4,3% và 4,5% so với cùng kỳ.
Với bức tranh kém thuận lợi của lĩnh vực sản xuất và dịch vụ trong tháng đầu của quý 4/2022, GDP quý này VDSC ước tăng 6,0%-6,1%, tương ứng với dự phóng GDP cho cả năm 2022 là 8,0-8,1%. Đồng thời, triển vọng tăng trưởng trong quý 4 đang hàm ý một tương lai khó khăn hơn trong năm 2023.
Hiện tại, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng và lạm phát cho năm 2023 lần lượt là 6,5% và 4,5%, Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng tăng trưởng sẽ thấp hơn (ước đạt 5,8-6,3%) và lạm phát ước đạt 4,3-4,8%.
Trong bài viết mới đăng trên số ngày 1/11, tờ Wall Street Journal nhận định Việt Nam đang vượt xa phần còn lại của châu Á khi xét về tăng trưởng kinh tế thần tốc, dự trữ ngoại hối bằng đồng USD và chính sách tiền tệ linh hoạt. Những gì mà Việt Nam làm được đang là điều mà nhiều quốc gia khác mong muốn mà chưa làm được, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu trầm lắng và chìm trong nỗi lo suy thoái, lạm phát, giá cả tăng cao, nhiều biến động.
Theo báo cáo “Triển vọng kinh tế khu vực châu Á- Thái Bình Dương” mới công bố, IMF đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong một “bức tranh xám màu”, với mức tăng trưởng năm nay dự báo đạt 7% , đứng đầu nhóm ASEAN-5 (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam). Thậm chí, IMF cho biết đây là mức tăng trưởng kỳ tích khi có đến 1/3 nền kinh tế thế giới suy giảm.