Những năm 1980, núi rừng Nam Đông là vùng kinh tế mới của các hộ dân thuộc diện kinh tế khó khăn ở vùng đầm phá của H.Phú Lộc và TP.Huế. Trong số những người di cư năm đó, có gia đình ông Phan Văn Lâm.
Đứng bên vườn cam được gọi là “cam Sài Gòn” rộng 4ha đang vào mùa thu hoạch, ông Lâm tự hào khoe, đó là thành quả tích lũy được suốt hơn 30 năm qua của gia đình ông. Nhờ vườn cam, kinh tế của gia đình ông khá lên, con cái được ăn học tới nơi, tới chốn.
Ông Phan Văn Lâm bên vườn cam Sài Gòn trĩu quả ở xã Hương Xuân, H.Nam Đông - ẢNH: T.H |
Ông Lâm nhớ lại, khi bà con bắt đầu đến đây khai phá đất đai, muỗi nhiều vô kể, bà con phải xài nước sông, suối nên bị sốt rét rừng. Nhiều người chịu không nổi, phải bỏ về quê. Khi đó, bà con chỉ trồng những giống cây phổ biến của vùng Bình Trị Thiên như mít, dứa, cau, ổi. Mấy năm sau, nhà nào có người vô TPHCM làm ăn thường dặn có giống cây gì hay thì lúc tết, mang về quê trồng. Trong đó có cây cam. Nhận thấy cây cam dễ trồng, thích hợp thổ nhưỡng, lại cho trái ngọt và có mùi thơm đặc biệt nên dần dần, người dân ở H.Nam Đông chiết cành, nhân giống, trồng ra khắp huyện. Do cây cam giống được mang từ Sài Gòn về nên bà con gọi là “cam Sài Gòn” để phân biệt với các giống khác như cam Vinh, cam Cao Phong.
Ông Phan Thế Xê (61 tuổi, ở thôn 9, xã Hương Hòa, H.Nam Đông) được các chủ vườn đặt biệt danh “tỷ phú cam”. Ông Xê nhớ lại: “Năm 2005, tôi bắt đầu trồng giống cam mà người dân ở đây quen gọi là cam Sài Gòn. Vụ đầu, tôi trồng 300 gốc, thu được 25 triệu đồng. Thời điểm đó, 25 triệu đồng là rất lớn. Thế là tôi mạnh dạn trồng thêm”. Vợ chồng ông dốc hết vốn liếng và vay mượn thêm, mua 4ha đất đồi để trồng cam Sài Gòn, cho nở bông trái vụ, mày mò học thêm kỹ thuật chăm sóc. Sau ba năm, ông thu được lứa cam trái vụ đầu tiên. Đến nay, gia đình ông có hơn 1.000 gốc cam. Vụ cam năm 2015, ông thu hoạch được 48 tấn, trung bình 1,2 tạ/cây, giá bán từ 18.000-25.000 đồng/kg, doanh thu đạt khoảng 1 tỷ đồng. Hiện nay, diện tích trồng cam của gia đình ông đã lên 7ha.
Theo ông Xê, để trồng cam Sài Gòn thành công, cần chọn kỹ cây giống, bố trí thời vụ hợp lý, dùng thiên địch diệt sâu hại, chú trọng thảm thực vật ở gốc cây. Dù vườn cam rộng nhưng mỗi năm, ông chỉ tốn từ 70-80 triệu đồng tiền phân, thuốc, tiền công. “Với giá 18.000 đồng/kg bán tại vườn như giờ, vụ cam này, tui lãi cả tỷ đồng. Cảm ơn giống cam đến từ miền Nam này. Giống cam này đã giúp hàng trăm hộ dân ở đây thoát nghèo. Người không có đất trồng cam thì đi hái cam thuê, thu nhập từ 300.000-350.000 đồng/ngày công” - ông Xê nói.
Hiện Nam Đông đang vào mùa thu hoạch cam, giá bán tại vườn từ 18.000-20.000 đồng/kg loại 1 (4 trái/kg). Nông dân Đặng Trợ (xã Thượng Quảng, H.Nam Đông) cho biết, bà con ở đây đang dần chuyển sang trồng cam theo quy trình VietGAP. Cam Sài Gòn ở đất Nam Đông có hương vị đặc biệt, ngọt thanh, chua nhẹ, mùi thơm khác biệt so với cam vùng khác.
Toàn huyện miền núi Nam Đông hiện có khoảng 250ha trồng cam, trong đó đa phần là giống cam Sài Gòn, còn lại là cam Xã Đoài (cam Vinh) và cam Voi và các giống cam khác. Cam Sài Gòn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “cam Nam Đông”, được đưa vào danh sách đặc sản OCOP (chương trình quốc gia “Mỗi địa phương một sản phẩm”).
Thuận Hóa
Xem thêm: lmth.1727741a-gnod-man-oac-gnuv-ohc-oehgn-aox-nog-ias-mac/nv.moc.enilnounuhp.www