Chiều 7/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Giá (sửa đổi). Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM nhận định, dự thảo Luật Giá sửa đổi vẫn chung chung khi vẫn chọn các mặt hàng thiết yếu, cho kê khai giá, rồi nhà nước xem xét có phù hợp hay không.
"Luật sửa đổi thiết kế như vậy không ổn, bởi doanh nghiệp kê khai giá không có nhiều tác dụng, cần cụ thể hơn", bà nói.
Bà Lan dẫn chứng lâu nay, nhất là trong dịch bệnh, dư luận phản ánh nhiều doanh nghiệp bán hàng cắt cổ, ăn trên xương máu nhân dân... "nhưng thử hỏi đã có căn cứ nào xử phạt hay không?", hoặc các doanh nghiệp bị phản ánh là bán hàng hóa giá cao, nhưng như thế nào là cao?".
Đại biểu cho rằng, luật đưa ra cần làm sao "đánh" được đầu cơ, nhưng cũng phải tôn trọng quy luật thị trường để không xảy ra tình trạng khan hiếm, vì người có trách nhiệm duyệt giá sợ bị xử lý.
Theo bà, trước đây các nhà thuốc hoạt động rất ổn định bởi có quy định giá trần và sàn, tỷ lệ lợi nhuận bao nhiêu, từ khâu bán sỉ đến bán lẻ. Nhưng bây giờ không có những quy định tương tự như thế, trong khi đây mới là cốt lõi.
"Biên độ tỷ suất lợi nhuận phải được quy định với một số mặt hàng ảnh hưởng tới trực tiếp người dân như thuốc, lương thực, thực phẩm, xăng dầu", đại biểu TP HCM nói.
Bà kể câu chuyện một người bạn vào bệnh viện chữa mỡ máu cao theo diện bảo hiểm y tế, nhưng được kê đơn thuốc 20.000 đồng.
"Tôi không hiểu đó là thuốc gì mà lại có giá rẻ đến như vậy. Thuốc giá rẻ như vậy đang giết chết công nghệ dược phẩm, làm cho ngành công nghiệp dược Việt Nam không thể phát triển bền vững. Tôi không cổ súy bán thuốc giá cao, nhưng phải phát triển bền vững", bà Lan nói và nhấn mạnh, sửa Luật Giá cần quy định giá trần và sàn với thuốc, cũng như các mặt hàng thiết yếu.
Cũng góp ý vào Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Cần Thơ) cho rằng, bình ổn giá, định giá là sự can thiệp bằng biện pháp hành chính, ở lần sửa đổi này cần hạn chế đưa ra các biện pháp như vậy.
Thay vào đó, bà Ánh nêu quan điểm, Nhà nước cần bình ổn giá thông qua các chính sách an sinh xã hội, tài chính vi mô... để đảm bảo giá hàng hoá, dịch vụ theo thị trường.
Đồng tình, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nhìn nhận, về nguyên lý, giá cả do yếu tố cung - cầu quyết định. Bình ổn giá là động tác cưỡng chế, phi thị trường, và trong nhiều trường hợp, sự can thiệp của Nhà nước làm giá cả phản ánh không đúng giá trị thực tế.
Tuy vậy, ông cho rằng, vẫn cần có sự điều tiết của Nhà nước với một số mặt hàng thiết yếu thông qua công cụ bình ổn giá. "Hàng hoá cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa mà không có trợ giá của Nhà nước thì bà con không thể mua được", ông nêu.
Đánh giá vẫn cần công cụ bình ổn giá, song đại biểu Thắng đề nghị, việc điều tiết, sử dụng công cụ này của Nhà nước cần linh hoạt hơn, đảm bảo tương thích với các quy định cam kết quốc tế của Việt Nam.
Bổ sung, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, không nên giao định giá và bình ổn giá cho một ngành chủ thể nào mà phải là cơ quan trực tiếp tham mưu cho Chính phủ đảm trách. Việc này nhằm đảm bảo kỷ cương, trật tự, không để mỗi bộ ngành có thẩm quyền định giá, bình ổn giá, dẫn tới "vênh" nhau trong quản lý, điều hành như với bình ổn xăng dầu vừa qua.
Đại biểu TP Cần Thơ cũng đề nghị dự luật cần bổ sung các hành vi cấm chuyển giá giữa các đơn vị liên doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, thông qua tại hai kỳ họp. Theo chương trình, ngày 11/1, Quốc hội sẽ thảo luận tại nghị trường dự thảo luật này.
Anh Minh - Viết Tuân