Trong bối cảnh giá cả các mặt hàng tăng phi mã do lạm phát thì ít nhất một mặt hàng trên thị trường đang trở nên rẻ hơn: Quả bơ.
Khi tổng chi phí các mặt hàng nhu yếu phẩm tăng đáng kinh ngạc, 13%, so với năm ngoái, thì việc bơ rẻ hơn đã đến đúng thời điểm: Làm dịu mệt mỏi cho các gia đình đang vật lộn chi tiêu vì lạm phát.
Tại Mỹ, sau khi tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022, giá bán buôn cho một thùng bơ, 48 quả cỡ trung bình, đã giảm 35% xuống dưới 30 USD so với cùng kỳ năm ngoái, tức giảm 67% so với mức đỉnh đạt được vào tuần cuối cùng của tháng 6, David Magana, chuyên gia phân tích nông sản cao cấp của Rabo AgriFinance, cho biết.
Ở cấp độ cửa hàng, đơn giá trung bình của quả bơ cũng đảo chiều, giảm 2,6% so với cùng kỳ vào tháng 9. Theo dữ liệu mới nhất từ NielsenIQ, một công ty nghiên cứu thị trường chuyên theo dõi dữ liệu điểm bán hàng của các nhà bán lẻ, đó là mức giảm lớn so với mức tăng đột biến, 31% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 7 và mức tăng 13,9% trong tháng 8.
Giá bơ giảm bất ngờ ở thị trường Mỹ. Ảnh: CNN
Điều gì đã làm thay đổi giá thành của quả bơ?
Richard Kottmeyer, Giám đốc điều hành mảng thực phẩm, nông nghiệp và đồ uống tại FTI Consulting, cho biết, sự kết hợp của nhiều vấn đề, bao gồm cả địa chính trị, đã dẫn đến tình trạng dư thừa quá mức trái cây.
Khi giá hạ nhiệt bất ngờ, rất nhiều trái bơ trôi nổi trên thị trường và trong một số trường hợp, chúng được tặng miễn phí.
"Đó là một trong những tình huống kỳ quặc, tình trạng cung vượt quá cầu của quả bơ xảy ra do cơn bão hoàn hảo của sự kiện Thiên nga đen", ông Kottmeyer nói. "Đối với người tiêu dùng, quả bơ hiện là điểm sáng trong cơn bão lạm phát lương thực".
Tháng trước tại Philadelphia, tổ chức phi lợi nhuận phân phối thực phẩm địa phương Sharing Excess đã tổ chức một sự kiện kéo dài ba ngày để phân phối hàng nghìn quả bơ dư thừa cho bất kỳ ai có nhu cầu. Theo The Philadelphia Inquirer, hơn 300.000 quả bơ miễn phí đã được cung cấp trong vòng chưa đầy ba giờ.
Theo CNN, chính những vụ mùa bơ bội thu trên toàn cầu đang dẫn đầu sự bùng nổ nguồn cung.
Thị trường bơ Mỹ chủ yếu là bơ Hass từ Mexico, chiếm 92% nguồn cung. Một tỷ lệ nhỏ hơn đến từ các trang trại ở Peru cũng như California và Florida.
Chuyên gia Magana cho biết: "Trong nửa đầu năm 2022, các lô hàng bơ từ Mexico đã giảm hơn 25% so với các lô hàng cao kỷ lục năm 2021.
Giá bơ tại Mỹ tăng cao trong tháng 2 sau khi bang Michoacan, miền tây Mexico, tạm ngừng xuất khẩu vì lý do khách quan.
Đến tháng 4, bang Texas đã thực hiện các cuộc kiểm tra tăng cường với các xe tải thương mại chở nông sản và các mặt hàng khác từ Mexico, khiến các chuyến hàng bơ đến Mỹ càng bị trì hoãn, dẫn đến giá bơ tăng cao.
Người Mỹ chế biến bơ thành nhiều món ăn do loại quả này có giá đang rất rẻ. Ảnh: CNN
Tuy nhiên, sau khi những hạn chế trên đường dỡ bỏ, các chuyến bơ bắt đầu đổ sang Mỹ, đặc biệt khi nông dân Mexico cũng đang có một vụ thu hoạch tốt hơn dự kiến trong năm nay.
"Về cơ bản, Mỹ nhập khẩu hầu hết bơ từ Mexico và Peru, nhưng khi mùa màng bội thu thì bơ cũng sẽ được bán trên toàn cầu. Hiện Châu Âu đang xảy ra tình trạng lạm phát lương thực đáng kể, vì vậy khi giá bơ tăng cao vào đầu năm nay, nhu cầu trên thị trường này đã giảm".
Ngoài ra, việc dẫn đến sự dư thừa bơ hiện nay là do một thị trường lớn khác, Trung Quốc, đang phải đóng cửa biên giới vì liên quan đến đại dịch hay xung đột Nga-Ukraine cũng đã làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu và vận chuyển bơ vào châu Âu và các khu vực xung quanh.
Tình trạng này sẽ kéo dài trong bao lâu?
Một tin tốt cho người tiêu dùng: Lượng bơ dư thừa ít nhất sẽ kéo dài đến giữa năm 2023, chuyên gia Magana nói.
"Tuy nhiên, chúng tôi không thể dự đoán được những thay đổi của thời tiết. Nhiệt độ tăng đột biến hoặc giảm đột ngột có thể ảnh hưởng đến sản xuất", ông nói.
Bơ đã trở nên phổ biến chưa từng có và xuất hiện trên thực đơn và cửa hàng tạp hóa theo những cách không ngờ — mọi thứ từ bánh mì nướng bơ và bánh mì kẹp thịt bơ nướng hay dầu bơ để nấu ăn và trộn salad.
Ông Kottmeyer nhấn mạnh: "Nhu cầu về bơ chắc chắn không giảm".