Chiều 7-11, Tổ đại biểu HĐND TP.HCM đơn vị TP Thủ Đức đã có buổi giám sát về kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các buổi tiếp xúc cử tri trong năm 2022 với UBND TP Thủ Đức.
Buổi giám sát do Trưởng ban Văn hóa- xã hội, HĐND TP.HCM Cao Thanh Bình chủ trì. Ảnh: THANH TUYỀN |
Theo báo cáo của UBND TP Thủ Đức, năm 2022, chính quyền nơi này tiếp nhận 86 kiến nghị trong của người dân. Trong đó, đã giải quyết 54 kiến nghị theo thẩm quyền; 15 kiến nghị còn lại đang trong quá trình xem xét, giải quyết. Các kiến nghị chủ yếu xoay quanh lĩnh vực đất đai.
Ông Cao Thanh Bình- Trưởng ban Văn hóa- xã hội HĐND TP.HCM ghi nhận nỗ lực của TP Thủ Đức trong việc giải quyết các kiến nghị trong điều kiện mới thành lập. Ông cũng đề nghị Thủ Đức cần tập trung giải quyết những vụ việc còn vướng mắc thì phải đeo bám, có lộ trình giải quyết cụ thể cho từng vụ việc.
Ông Bình khẳng định, tổ đại biểu HĐND TP.HCM sẽ đồng hành cùng TP Thủ Đức. Những vụ việc gặp vướng, khó thì chính quyền Thủ Đức cần mạnh dạn mời tổ đại biểu cùng tham gia tiếp dân, đối thoại; đặc biệt là kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc mà các sở, ngành chậm tháo gỡ, chậm trả lời.
“Không cần phải hành chính hóa, chỉ cần một cuộc điện thoại, tin nhắn thì tổ đại biểu sẽ hỗ trợ, tăng cường làm việc, đôn đốc các sở, ngành để giải quyết kịp thời các vấn đề cho người dân”- ông Bình nói.
Trưởng ban Văn hóa - xã hội, HĐND TP.HCM Cao Thanh Bình kết luận một số nội dung vụ việc liên quan đến các kiến nghị Ảnh: THANH TUYỀN |
Ông Bình điểm qua những sự việc kéo dài nhiều năm và cho rằng, nếu chính quyền đã có văn bản trả lời mà người dân còn khiếu nại thì cần xem xét lại.
Nhắc đến dự án Khu dân cư phường Phước Long B do Công ty Hải Nhân làm chủ đầu tư, ông Bình cho biết nơi đây trở thành rốn ngập mỗi khi mưa xuống. Theo ông Bình, cần phải khẩn trương điều chỉnh ranh quy hoạch. Nếu đã có chủ trương thì thông tin cho tất cả các hộ dân rõ đất của người dân sẽ được điều chỉnh ranh, không nằm trong ranh quy hoạch để họ yên tâm.
“Đây cũng là một trong những vụ việc mà bản thân tôi và Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê đã trực tiếp đi khảo sát, ‘xắn quần’ vào để thăm các hộ dân. Họ sống rất khó khăn, chính quyền cần phải quan tâm thêm”- ông Bình lưu ý.
Với dự án trường Trung cấp Đông Hiệp, phường Tân Phú, ông Bình chia sẻ từng có thời gian làm Bí thư của phường này, trực tiếp đi xuống từng hộ dân để nắm thực tế.
“Có những cô chú lớn tuổi, nói là ráng sống để nhìn thấy giấy chứng nhận. Nhưng thật sự điều đó không xảy ra”- ông Bình tâm tư và cho rằng, cần nhìn nhận thẳng thắn đây là vấn đề còn nhập nhằng, chính quyền cần thông báo cho dân biết phần đất còn lại sẽ được tính toán, xử lý thế nào.
Ông Bình nhấn mạnh, có vụ việc đã hai lần tổ chức giám sát, hai lần làm việc riêng nhưng vụ việc vẫn dẫm chân tại chỗ, không có tiến triển, buộc lòng tổ đại biểu phải giám sát trở lại.
Đơn cử vụ việc của ông Trần Văn Thọ, ngụ phường Long Bình, TP Thủ Đức kiến nghị bố trí nền tái định cư và tiền tạm cư tại dự án Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc TP.HCM.
Trong buổi giám sát đó, TP Thủ Đức đã có cam kết giải quyết một số việc cho dân nhưng đến giờ này chỉ xong phần thanh toán tiền tạm cư của giai đoạn trước. Ông Bình cho biết, buổi giám sát vào tháng 3 đã chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan nhưng đến nay vẫn chưa tiến triển.
Trưởng ban Văn hóa- xã hội HĐND TP.HCM cho rằng, cần nhìn vụ việc này ở góc độ cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm tích cực trong quá trình giải quyết. Bởi lẽ năm 2014, khi áp giá bồi thường, chính quyền không có chấp nhận bồi thường 177m2 cho hộ dân mà cho rằng chỉ hỗ trợ. Ông Thọ bức xúc vì nhiều hộ dân được bồi thường mà ông thì không nên khiếu nại. Đến năm 2018, chính quyền ra quyết định bồi thường.
“Từ đó đến nay vụ việc chậm như thế, 11 thành viên trong gia đình này đều phải đi ở tạm cư. Chúng ta hãy suy nghĩ đi!. Ông Thọ đã bàn giao mặt bằng khi chưa nhận được tiền bồi thường, thực hiện rất tốt chủ trương chính sách. Nhưng đổi lại mình làm cái gì. Rất nhiều lần ông Thọ khiếu nại, gặp tổ đại biểu chỉ đề đạt được giải quyết chứ không làm căng”- ông Bình tâm tư và cho rằng TP Thủ Đức cần tăng cường giám sát các cơ quan, phòng ban về giải quyết vụ việc.
Ông cũng mong Sở TN&MT TP.HCM và phía Công viên lịch sử văn hóa dân tộc sớm phối hợp với TP Thủ Đức để giải quyết thấu đáo cho người dân.
Sự việc của ông Trần Văn Thọ từng được báo Pháp Luật TP.HCM nhắc đến trong buổi giám sát vào tháng 3-2022.
Cụ thể, để triển khai dự án Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc TP.HCM năm 2014, UBND quận 9 cũ có quyết định chiết tính bồi thường hỗ trợ đất gồm 100 m2 đất ở; hỗ trợ 21,5 m2 đất nông nghiệp trồng cây lâu năm và hỗ trợ 56,2 m2 đất nông nghiệp trồng cây hàng năm.
Không đồng ý với quyết định trên, ông Trần Văn Thọ nộp đơn khiếu nại, tuy nhiên UBND quận 9 đã ra quyết định bác đơn khiếu nại. Sau đó, ông Thọ tiếp tục khiếu nại.
Tháng 12-2017, UBND quận 9 có công văn gửi Sở TN&MT và Hội đồng Thẩm định bồi thường TP.HCM đề xuất chính sách bồi thường hỗ cho ông Thọ được một nền đất tái định cư theo giá tái định cư. Tháng 1-2018, Hội đồng Thẩm định bồi thường có công văn đề nghị UBND quận 9 chủ động xác định diện tích, loại đất để tính bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho ông Thọ.
UBND quận 9 đã rà soát và xác định ông Thọ đủ điều kiện bồi thường 177,7 m2 đất ở, đủ điều kiện bố trí tái định cư một nền đất. Quận kiến nghị bố trí nền 140 m2 cho ông Thọ, lộ giới đường 20m. Đề xuất này được Ban Chỉ đạo Bồi thường, hỗ trợ tái định cư TP.HCM thống nhất.
Tháng 8-2020, ông Thọ bốc thăm nền tái định cư là L-02 có diện tích 140 m2, lộ giới 20 m. Tuy nhiên, từ ngày đó đến nay, ông Thọ chưa được giao nền tái định cư mà ông đã bốc thăm.
Về tiền tạm cư, ông Thọ đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc TP.HCM từ tháng 9-2018. Hiện gia đình ông có 11 người phải sống tạm bợ hơn ba năm nay.
Chính quyền cũng đã hỗ trợ tiền tạm cư cho ông Thọ, chia làm ba đợt, nhưng việc chi trả cũng chậm trễ.