Mặc cho chứng khoán Mỹ ngày cuối tuần đồng loạt tăng điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam lại chứng kiến xu hướng ngược chiều khi đóng cửa kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 21,96 điểm, tương đương 2,2% xuống 975,19 điểm.
Toàn sàn chỉ có 75 mã tăng, còn lại 383 mã giảm, trong đó 136 mã giảm kịch biên độ.
HNX-Index giảm 6 điểm xuống 198,56 điểm. Toàn sàn có 29 mã tăng, 167 mã giảm và 22 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 2,01 điểm, tương đương 2,71% xuống 72,25 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 20 mã giảm, 8 mã giữ được sắc xanh và 2 mã tham chiếu.
Mức thanh khoản thị trường lại quay đầu giảm với dòng tiền nhà đầu tư đứng yên. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 11.901 tỷ đồng, giảm 17% so với phiên trước, chủ yếu lực bán tháo. Trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 18,2% xuống 10.555 tỷ đồng. Tại nhóm VN30 sang tay 4.948 tỷ đồng.
Biến động gia tăng trong các phiên giao dịch tiếp theo
Chứng khoán KIS: Áp lực bán tiếp tục duy trì ở mức cao quanh vùng 1.050 điểm và đưa chỉ số VN-Index kiểm định lại vùng 950-1.000 điểm lần thứ hai. Đáng chú ý, đà giảm vẫn chưa có dấu hiệu suy yếu quanh vùng 1.000 điểm. Áp lực bán vẫn ở mức cao và chỉ số VN-Index đang có khuynh hướng kiểm định lại vùng 950-1.000 điểm, độ biến động sẽ gia tăng trong các phiên giao dịch tiếp theo và xu hướng giảm sẽ tiếp tục, xác nhận bởi hệ thống các đường MAs.
Do vậy, giai đoạn phục hồi ngắn hạn hoặc trong phiên khả năng cao sẽ xuất hiện. Các khung thời gian trung và dài hạn đều xác nhận cho sự kéo dài của xu hướng giảm. Nếu giai đoạn phục hồi xuất hiện, lực cầu sẽ nhanh chóng biến mất. Vì vậy, nhà đầu tư nên giảm tỉ trọng trên nhóm cổ phiếu dẫn dắt, đứng ngoài quan sát cho tới khi vùng đáy được xác nhận.
Nhà đầu tư chưa nên bắt đáy
Chứng khoán MB (MBS): Thị trường trong nước đang tách biệt với diễn biến tích cực từ TTCK thế giới, do vậy áp lực giảm của thị trường chủ yếu đến từ yếu tố nội tại. Việc thị trường đóng cửa với hàng trăm cổ phiếu giảm sàn và thanh khoản cạn kệt cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang bi quan dù khối ngoại phiên này đã quay lại mua ròng rất mạnh nhưng cũng không bù đắp được đà giảm.
Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index chưa để mất đáy tháng 10 nhưng phần lớn cổ phiếu đã xuyên qua ngưỡng hỗ trợ này, trong đó có nhóm midcap và smallcap. Rủi ro lúc này nằm ở nhóm cổ phiếu bị bán kỹ thuật, đây sẽ là nhóm tín hiệu cho thị trường, chừng nào dòng tiền vào “cân” lượng cổ phiếu dư bán sàn cũng sẽ là lúc thị trường có cơ hội hồi phục. Nhà đầu tư chưa nên bắt đáy, không dùng Margin, có thể đứng ngoài thị trường hoặc trading với tỉ trọng thấp.
Thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm
Chứng khoán Yuanta: Nhóm phân tích cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng đáy ngắn hạn 962,45 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, nếu chỉ số VN-Index xuất hiện nhịp hồi trong phiên giao dịch kế tiếp thì đồ thị giá có thể xuất hiện mô hình phân kỳ tam đoạn, nhưng rủi ro ngắn hạn hiện tại có dấu hiệu tăng dần cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế mua mới.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức GIẢM. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và quan sát thị trường, đặc biệt các nhà đầu tư nên dừng vị thế mua mới.
Kịch bản tiêu cực sẽ rơi về mức 900 điểm
Chứng khoán TPS: VN-Index tiếp tục giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 07/11/2022 và phá vỡ thế giằng co tại mức tâm lý 1.000 điểm. Bên cạnh đó, việc thanh khoản giảm cho thấy sự suy yếu của bên mua khi thị trường bước vào tuần mới với nhiều vấn đề tác động đến triển vọng thị trường.
Với đà giảm hiên tại, thị trường nhiều khả năng sẽ tiến về mức 950 điểm trong phiên tới. Đây được kỳ vọng sẽ là mức cản gần nhất giúp thị trường chững lại đà giảm. Tuy nhiên, trong kịch bản tiêu cực nhất là nếu hỗ trợ này bị phá vỡ thì khả năng chỉ số chung rơi về mức 900 sẽ tăng cao.