Người dân làm mát dưới đài phun nước khi nắng nóng gay gắt ở Nice, miền nam Pháp ngày 17-6-2022 - Ảnh: TÂN HOA XÃ
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 7-11 cho biết từ đầu năm tới nay đã có ít nhất 15.000 người ở châu Âu tử vong vì thời tiết nắng nóng, trong đó Tây Ban Nha và Đức là hai trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ba tháng từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay là quãng thời gian nóng nhất ở châu Âu kể từ trước tới nay, và nhiệt độ đặc biệt cao đã dẫn đến đợt hạn hán tồi tệ nhất mà lục địa này từng trải qua kể từ thời Trung cổ.
Ông Hans Kluge, giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của WHO, thông báo nắng nóng đã khiến gần 4.000 người tử vong ở Tây Ban Nha trong khi số người tử vong bởi thời tiết cực đoan trong mùa hè vừa qua ở Bồ Đào Nha là hơn 1.000 người, ở Vương quốc Anh là hơn 3.200 người và ở Đức là khoảng 4.500 người.
Ngày 20-7, nhiệt độ ở miền đông nước Đức đã tăng lên tới gần 40 độ C, trong khi nhiệt độ ở các khu vực phía tây nước này cũng cao hơn cùng thời điểm trong các năm trước, dao động 34-37 độ C.
Đáng chú ý, tại Tây Ban Nha, nhiệt độ đã tăng tới 45 độ C ở một số khu vực, gây ra hàng chục vụ cháy rừng. Anh cũng lần đầu tiên ghi nhận mức nhiệt 40 độ C hôm 19-7.
Các nhà khoa học cho rằng sự gia tăng các đợt nắng nóng hiện nay là do biến đổi khí hậu. Việc sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch của con người như than đá, khí đốt và dầu mỏ đã khiến thời tiết nóng hơn, các đợt nắng nóng kéo dài và thường xuyên hơn.
Năm nay, một vùng áp suất cao di chuyển chậm đã đưa không khí nóng từ Bắc Phi tới châu Âu.
TTO - Tỉ lệ tử vong do nắng nóng cực đoan trong tương lai có thể tương đương với tỉ lệ tử vong do tất cả các bệnh ung thư hoặc do tất cả các bệnh truyền nhiễm khác, các chuyên gia quốc tế cảnh báo.
Xem thêm: mth.39233449080112202-2202-man-ua-uahc-o-gnon-gnan-od-gnov-ut-iougn-00051-tahn-ti-ohw/nv.ertiout