Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: PHẠM THẮNG
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa có báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, có ý kiến đề nghị quy định rõ việc áp dụng hồi tố đối với các trường hợp đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính trước ngày nghị quyết có hiệu lực, đồng thời đánh giá tác động trong trường hợp quy định hồi tố.
Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Trà cho hay Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định các trường hợp không quy định hiệu lực trở về trước (hồi tố), trong đó có trường hợp quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn.
Do đó, để bảo đảm nội dung nghị quyết trình Quốc hội không trái với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo nghị quyết không quy định hiệu lực trở về trước đối với việc áp dụng thời hiệu 5 năm và 10 năm.
Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo tiếp thu, giải trình đầy đủ về nội dung này trước khi trình Quốc hội thông qua nghị quyết.
Có ý kiến đề nghị quy định thời hiệu 10 năm chỉ áp dụng đối với hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật cảnh cáo và buộc thôi việc, các hành vi còn lại áp dụng thời hiệu 5 năm. Có ý kiến cho rằng quy định thời hiệu 5 năm và 10 năm như dự thảo nghị quyết là quá dài.
Đối với nội dung này, bà Trà cho hay theo quy định của pháp luật hiện hành, hình thức xử lý kỷ luật cảnh cáo có tính chất nghiêm khắc hơn hình thức xử lý kỷ luật khiển trách và được quy định ngay sau hình thức xử lý kỷ luật khiển trách.
Do đó để bảo đảm đồng bộ với quy định của Đảng thì quy định thời hiệu 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên là phù hợp.
Có ý kiến cho rằng áp dụng quy định thời hiệu 10 năm đối với hình thức xử lý kỷ luật cách chức, bãi nhiệm là không phù hợp vì phụ thuộc vào nhiệm kỳ.
Về nội dung này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay tại Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức quy định thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật.
Do đó, quy định về thời hiệu không chịu ảnh hưởng của nhiệm kỳ bầu cử (đối với cán bộ) hoặc của thời hạn bổ nhiệm (đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý).
Trường hợp hết nhiệm kỳ bầu cử hoặc hết thời hạn bổ nhiệm mà người có hành vi vi phạm không còn giữ chức vụ, chức danh do bầu cử, bổ nhiệm và hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật cảnh cáo trở lên (áp dụng thời hiệu 10 năm) vẫn áp dụng hình thức xử lý kỷ luật tương ứng đối với công chức, viên chức đó là phù hợp.
Có ý kiến đề nghị cần rà soát đầy đủ các nội dung có liên quan tại quy định số 69, quy định 80 của Đảng để bổ sung, bảo đảm đồng bộ trong quá trình áp dụng. Đồng thời sửa đổi các quy định còn bất cập tại nghị định số 112/2020 của Chính phủ để giải quyết khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.
Về nội dung này, Bộ trưởng Trà nêu rõ quá trình xây dựng nghị quyết đã phối hợp với Bộ Tư pháp, các cơ quan rà soát quy định của Đảng, pháp luật có liên quan đến thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó đề nghị cho giữ phạm vi sửa đổi như tờ trình.
Với các nội dung khác, căn cứ vào quy định của nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn về thời hiệu, bộ sẽ tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung nghị định 112 cho phù hợp, bảo đảm thống nhất, đồng bộ.
TTO - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ quan điểm của cơ quan soạn thảo nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức, viên chức là "không muốn hồi tố vì sẽ vướng mắc, khó khăn cho cơ quan trực tiếp quản lý".