Xe hút hầm cầu 51E-20432 của ông Thành đang xả thải tại khu đất ở TP Thủ Đức ngày 21-10 - Ảnh cắt từ clip điều tra
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP.HCM vừa có văn bản gửi Công an TP.HCM đề nghị hỗ trợ tăng cường giám sát các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực hút hầm cầu trên địa bàn TP.HCM sau loạt bài điều tra "Từ dán bậy đến xả bậy" đăng trên báo Tuổi Trẻ từ ngày 31-10 đến ngày 4-11.
Làm việc với giám đốc xả bậy
Cụ thể, Sở TN-MT đề nghị Công an TP.HCM chỉ đạo tăng cường trinh sát đối với các đơn vị thu gom, vận chuyển bùn hầm cầu trên địa bàn TP để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Vi phạm ở đây được sở này nhắc tới là việc gian dối trong việc thu gom từ tổ chức, hộ gia đình; không chuyển giao bùn hầm cầu về đơn vị xử lý mà xả ra bãi đất trống, môi trường.
Diễn biến liên quan, ngày 8-11 (tức sau 5 ngày phóng viên có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng), phía sở cho hay đã có cuộc làm việc với ông Nguyễn Văn Thành - giám đốc Công ty TNHH công nghệ Sài Gòn Group - về hành vi xả thải bậy mà báo Tuổi Trẻ phán ánh.
Nội dung cuộc làm việc, người đại diện của sở này chưa cho biết cụ thể.
Phương tiện lừa đảo, xả thải vẫn tung hoành
Xe hút hầm cầu biển số 51E-20432 của ông Thành được xác định xả thải vào ngày 21-10 chạy trên đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận) lúc 15h06 chiều 7-11 - Ảnh: LÊ PHAN
Đáng nói, trong khi cơ quan chức năng đang vào cuộc xác minh phương tiện xả thải cũng như các hành vi vi phạm của ông Nguyễn Văn Thành - giám đốc Công ty TNHH công nghệ Sài Gòn Group, ghi nhận của chúng tôi, chiếc xe hút hầm cầu 51E-20432 (xe xả thải vào ngày 21-10) vẫn ung dung chạy trên đường.
Trước đó làm việc với cơ quan chức năng, ông Nguyễn Văn Thành cũng đã thừa nhận hành vi xả thải tại khu đất 577 Kha Vạn Cân (thuộc Công ty cổ phần Nông hải súc sản Sài Gòn).
Về vấn đề này, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng chiếc xe trên được các đối tượng sử dụng thực hiện hành vi nâng khống khối lượng chất thải hút hầm cầu, tức có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó xe được xem là tang vật, cần được cơ quan chức năng tạm giữ để điều tra, xác minh và xử lý theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp các đối tượng sử dụng chiếc xe trên để vận chuyển, đổ chất thải không đúng quy định thì tùy tính chất, mức độ hành vi vi phạm mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Ở trường hợp này, cơ quan chức năng cần nhanh chóng mời các chủ xe lên làm việc, tạm giữ tang vật (xe) để bảo đảm tính nguyên vẹn, đồng thời ngăn chặn những hành vi vi phạm có thể xảy ra.
Xe 51E-20432 của ông Thành hút hầm cầu tại nhà dân trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình) tối 13-10, kèm theo hóa đơn hút 30m3 với số tiền người dân phải trả 42 triệu đồng - Ảnh cắt từ clip điều tra
Mức phạt hành vi xả thải trái phép ra môi trường
Điều 4 nghị định 155/2016/NĐ-CP:
- Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tối đa 1 triệu đồng/hành vi (đối với cá nhân) và 2 triệu đồng/hành vi (đối với tổ chức).
Xử phạt bổ sung:
- Tước quyền sử dụng có thời hạn giấy phép xử lý chất thải nguy hại/giấy phép xả thải khí thải công nghiệp.
- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
- Tạm đình chỉ các hoạt động sản xuất đến khi hết thời hạn xử lý.
- Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Điều 235 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):
Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường tùy vào tính chất, mức độ của hành vi.
TTO - Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM nói phản ánh của báo Tuổi Trẻ cho thấy một thực trạng đáng báo động đe dọa môi trường và khẳng định “phải có rất nhiều giải pháp mạnh” giải quyết vấn đề này.