Ngày 8-11, Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức giám sát đối với Sở Tài chính, Cục Thuế TP, Cục Hải quan TP về việc thực hiện chủ đề năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Đoàn khảo sát do Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM làm trưởng đoàn cùng các thành viên đại diện các ban thuộc HĐND, đại diện các sở, ngành.
Toàn cảnh buổi giám sát. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Báo cáo với đoàn giám sát, ông Nguyễn Trần Phú, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, chia sẻ vướng mắc về vấn đề thực hiện dự toán thu chi ngân sách năm 2022. Do thực hiện Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, hiện 16 quận trên địa bàn không còn tổ chức HĐND. Như vậy, theo Luật Ngân sách, các quận sẽ không còn bảng dự phòng ngân sách phải chi.
"Năm 2022, năm đầu tiên áp dụng Nghị quyết 131, TP đã thấy được điểm vướng mắc và tham mưu với Bộ Tài chính, kiến nghị cho lại các quận một khoản tạm gọi là 'dự phòng' để điều hành. Đồng thời, Bộ đã ghi nhận và cho biết sẽ có xem xét điều chỉnh khi điều chỉnh Luật Lao động", ông Phú thông tin.
Ông Nguyễn Trần Phú, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, báo cáo với đoàn giám sát. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết thêm, Sở đã có tham mưu UBND TP bố trí cho các quận, huyện gói điều hành, kinh phí dao động từ 35 - 50 tỉ đồng. Gói điều hành này sẽ được gửi về cho các quận, huyện để các đơn vị tự xem xét, rà soát và bố trí nội dung chi từng lĩnh vực. Tuy nhiên, qua một năm thực hiện, các quận, huyện không thể dự kiến được hết những nhu cầu phát sinh của từng lĩnh vực, dẫn đến cần tham mưu điều chỉnh.
"Khi các quận huyện có yêu cầu điều chỉnh trong gói điều hành, để linh động và kịp thời thì UBND TP sẽ đưa ra quyết định. Đây là ý tưởng, giải pháp hạn chế khó khăn cho các đơn vị trong năm 2023. Còn lại, Sở sẽ tiếp tục kiến nghị để có gói chung nhằm giúp các quận, huyện chủ động hơn trong việc điều hành", ông Phú nói.
Tuy nhiên, theo ông Phú, nếu có một khoản ngân sách để quận, huyện tự chủ động thì sẽ tốt hơn việc mỗi vấn đề phải trình lên UBND TP xem xét. Trong trường hợp chưa được thì sẽ trình HĐND TP uỷ quyền lại cho UBND TP có quyết định sẽ kịp thời hơn.
Trưởng ban Văn hoá - Xã hội HĐND TP.HCM Cao Thanh Bình phát biểu ý kiến tại buổi giám sát. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Về việc triển khai thực hiện Nghị định 151 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hoá - Xã hội HĐND TP, đặt vấn đề hiện có tới 624 đề án trình TP lên nhưng chỉ có 2 đề án được duyệt. Điều này dẫn đến các vị trí nhà đất công, vị trí của các đơn vị nếu không được duyệt thì sẽ ngưng hoạt động và mất một khoản lớn tiền thu thuế cho ngân sách.
Trả lời vấn đề của trưởng ban Văn hoá - Xã hội HĐND TP, ông Nguyễn Trần Phú nhìn nhận Sở Tài chính hiểu được cái khó của các đơn vị. Theo đó, trong Nghị định 151, việc hướng dẫn xây dựng hay muốn làm đề án cần qua rất nhiều thủ tục.
"Đây là khó khăn chung, buộc chúng ta xây dựng đề án liên doanh, liên kết hoặc cho thuê. Chính vì cái khó này, TP đã làm việc với Bộ Tài chính và Bộ đã đưa ra giải pháp", ông Phú nói.
Theo đó, Bộ sẽ gửi các đơn vị góp ý sửa đổi Nghị định 151, điều chỉnh lại phù hợp với tình hình thực tế. Và trong thời gian chờ sửa đổi, TP đã kiến nghị Bộ Tài chính ra văn bản hướng dẫn. Đối với bãi xe, căn tin thuộc tài sản công thì phải coi đó là nhiệm vụ phục vụ nhiệm vụ chính trị của đơn vị, do đó các đơn vị sẽ không thực hiện xây dựng đề án.
"Đó là lối mở cho các trường tự vận hành. Đối với bãi xe, hiệu trưởng chỉ cần thuê 2 người giữ xe, khoản đó sẽ hạch toán thu chi bình thường, còn nếu đem đấu thầu cho một đơn vị vận hành nguyên bãi xe thì phải xây dựng đề án", ông Phú cho biết.