Nội dung này được Ngân hàng Nhà nước gửi tới các ngân hàng thương mại ngày 8/11, đề cập xăng dầu là mặt hàng quan trọng, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế và hoạt động sản xuất, sinh hoạt của doanh nghiệp, người dân.
Trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá cả biến động lớn và thường xuyên, Chính phủ đặt ra nhiều giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung trong nước. Ở góc độ ngành ngân hàng, Thống đốc yêu cầu các nhà băng khẩn trương thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, các nhà băng cần chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn vay của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (theo danh sách công bố trên website của Bộ Công Thương) nhằm phục vụ việc mua xăng dầu trong nước và nhập khẩu xăng dầu. Việc cung ứng vốn kịp thời giúp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, không để xảy ra tình trạng trục lợi, vi phạm pháp luật.
Chủ tịch và tổng giám đốc các ngân hàng cũng phải chỉ đạo sát sao toàn hệ thống, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, thiếu trách nhiệm gây chậm trễ trong công tác tín dụng.
Ngoài ra, định kỳ hàng tháng, các ngân hàng phải báo cáo tình hình cấp tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu về Ngân hàng Nhà nước.
Thị trường xăng dầu trong nước nhiều xáo trộn diễn ra thời gian dài tại TP HCM, các tỉnh miền Nam và gần đây là cả Hà Nội. Các doanh nghiệp cho rằng, chi phí kinh doanh chưa được tính đủ vào giá cơ sở bán lẻ, giá dầu thế giới trồi sụt trước biến động địa chính trị... khiến họ bị lỗ. Ngoài ra, theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, ngoài nguyên nhân khách quan của thế giới, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang khó tiếp cận với vốn và bảo lãnh tín dụng của ngân hàng.
"Room tín dụng đã hẹp, điều kiện vay thanh khoản lại khó khăn, tỷ giá ngoại tệ để nhập khẩu hàng thay đổi liên tục, biên độ giá dao động lớn vì thế rủi ro rất cao cho các doanh nghiệp", ông Diên cho hay.
Tuy nhiên, phát biểu trước Quốc hội ngày 28/10, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tổng hạn mức cấp cho 16 doanh nghiệp xăng dầu là 103.000 tỷ đồng nhưng hiện mới sử dụng đến khoảng 58.000 tỷ. "Hạn mức chưa sử dụng của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu còn 44.000 tỷ đồng, chứ chưa phải là đã hết", Thống đốc phản hồi.
Tỷ giá USD tăng cũng là một lý do khiến các doanh nghiệp đầu mối gặp khó. Tuy nhiên, theo Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước vẫn đảm bảo ổn định sản xuất trong nước, can thiệp ngoại tệ. "Riêng 9 tháng đầu năm, lượng ngoại tệ bán ra khoảng 10 tỷ USD cho các doanh nghiệp xăng dầu như Nghi Sơn, Bình Sơn, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam", bà Hồng cho hay.
Quỳnh Trang