Sáng 9-11, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức trao tặng Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2022.
Tại lễ trao giải, phóng viên Phạm Thị Anh (bút danh Phạm Anh) - Báo Pháp luật TP.HCM đã vinh dự được Ban tổ chức trao giải khuyến khích với loạt bài Gỡ nút thắt học phí khi đại học tự chủ.
Đây là loạt bài nêu thực trạng tự chủ đại học và những vấn đề tồn tại hiện nay, từ đó đưa ra hướng tháo gỡ câu chuyện tự chủ đại học nhưng không tạo áp lực về học phí lên người học.
Mời bạn đọc xem lại loạt bài Gỡ nút thắt học phí khi đại học tự chủ:
Học phí tăng gấp đôi
Thu phí cao mất người học, thu thấp khó giữ nhân tài
3 thách thức, 2 kiến nghị với đại học tự chủ
Phóng viên Phạm Thị Anh (giữa) trong lễ trao giải vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam sáng nay. Ảnh: PHI HÙNG |
Tác giả Phạm Anh nhìn nhận, Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam, là một sân chơi rất ý nghĩa cho phóng viên nói chung và phóng viên theo dõi mảng giáo dục nói riêng. Đây là cơ hội ghi nhận những tác phẩm báo chí tạo dư luận xã hội. Qua đó, góp phần lan toả tinh thần truyền tải những vấn đề xã hội quan tâm của các phóng viên.
Được biết, đây là lần thứ 5 năm Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam diễn ra. Giải thưởng nhằm tôn vinh các tác giả có tác phẩm xuất sắc về sự nghiệp GD-ĐT của nước nhà và tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Qua đó, nhằm tuyên truyền, tôn vinh những đóng góp của ngành giáo dục với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại Lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cũng đã phát động Giải báo chí “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” lần thứ 6 năm 2023 với hy vọng nhận được sự đóng góp của đông đảo phóng viên, nhà báo… để tiếp tục cống hiến vì sự nghiệp trồng người; đồng hành cùng ngành giáo dục vượt qua khó khăn thách thức.
Ban Tổ chức đã nhận được gần 800 tác phẩm tham dự của 4 loại hình: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh và Truyền hình. Kết quả 80 tác phẩm được chọn vào chung khảo.
Từ những tác phẩm này, Hội đồng Chung khảo đã đề xuất 1 giải Đặc biệt, 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 12 giải Ba, 28 giải Khuyến khích và 2 nhân vật tiêu biểu trong 2 tác phẩm đoạt giải.
Giải đặc biệt "Học sinh miền Nam - Một thời để nhớ" thuộc về nhóm tác giả của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP.HCM.
Ban tổ chức cũng trao giải Nhân vật tiêu biểu cho em Hoàng Thị Mũ và thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ. Em Hoàng Thị Mũ là người dân tộc Mông ở Bảo Lâm, Cao Bằng. Năm 2010, mất mẹ do lũ cuốn, khi đó em mới 7 tuổi, em đã thay mẹ nuôi 2 em còn khát sữa. 10 tuổi cha mất, em lại thay cha làm trụ cột gia đình. Vậy mà em vẫn thực hiện được ước mơ đi học. Em được nhận học bổng của Học viện Quảng Tây, Trung Quốc. Hiện em đã lo cho 2 em trưởng thành.
Thầy Nguyễn Trần Vỹ - Giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Trà Mai, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam) trong tác phẩm Chuyện “Vỹ khùng”, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Nam. Nhiều năm nay, sau những tiết dạy học, thầy Nguyễn Trần Vỹ đã rong ruổi khắp các ngọn núi để cùng xây trường, dựng lớp, kết nối yêu thương, sẻ chia khó khăn với bà con vùng cao.