Ông Gan Kim Yong, Bộ trưởng Bộ Công thương Singapore.
Ông Gan Kim Yong, Bộ trưởng Bộ Công thương Singapore trao đổi về tầm quan trọng của kết nối đổi mới sáng tạo trong quan hệ hai nước và những cơ hội kinh doanh đầu tư mới.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam và Singapore đã thống nhất đẩy mạnh và tăng cường hợp tác trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và kinh tế số trong thời gian tới. Những thoả thuận/ biên bản ghi nhớ (MOU) này có tầm quan trọng thế nào trong đẩy mạnh giao thương và chuyển đổi số giữa hai nước, thưa ông?
Việt Nam và Singapore có mối quan hệ hợp tác song phương hết sức tốt đẹp và là hai nền kinh tế kết nối chặt chẽ với nhau. Hai nước có thể cộng tác để khai thác thêm nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực, thậm chí vượt khỏi phạm vi lĩnh vực công nghiệp truyền thống.
Một lĩnh vực đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của cả Chính phủ Singapore và Chính phủ Việt Nam là phát triển nền kinh tế xanh và bền vững. Gần đây, hai chính phủ đã ký kết bản ghi nhớ về đẩy mạnh hợp tác phát triển năng lượng xanh, kiến tạo các giải pháp phát thải carbon thấp, trong đó có Biên bản ghi nhớ về Hợp tác Tín chỉ carbon, lần đầu tiên được ký giữa Singapore và một quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Tôi tin rằng, vẫn còn nhiều lĩnh vực mà chúng ta có thể hỗ trợ nhau và cộng tác nhằm phát triển kinh tế hai nước. Các thoả thuận và giao dịch thương mại như Biên bản ghi nhớ về Hợp tác Tín chỉ carbon vẫn đóng vai trò quan trọng trong thiết lập nền tảng và cung cấp khung pháp lý cho việc hợp tác, nhờ đó các doanh nghiệp có thể thấu hiểu không chỉ cách thức cạnh tranh lành mạnh, mà còn cả hợp tác với nhau.
Chẳng hạn, trong ngành năng lượng, đa phần là các dự án tư nhân, nhưng cũng cần sự trợ giúp từ phía Chính phủ, do liên quan đến năng lượng tái tạo, vì vậy cần có các bộ khung pháp lý hướng dẫn, chỉ đạo. Một lĩnh vực khác cũng rất quan trọng là chuyển đổi số nông nghiệp (Agritech), công nghệ thực phẩm và đổi mới sáng tạo. Khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng cũng là lĩnh vực mà chúng tôi rất muốn hợp tác với Việt Nam.
Singapore đã và đang thu hút nhiều công ty khởi nghiệp trong các ngành nghề mới, như blockchain, Web3 và các công nghệ khác. Singapore đã duy trì và tăng sức hút của mình như thế nào và bài học rút ra dành cho Việt Nam là gì?
Singapore luôn là một trung tâm kinh doanh hoặc giao dịch ý tưởng và chúng tôi cần phải giữ vững động năng vì các nước khác ở Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam và Indonesia cũng đang tạo sức hút cho mình.
Cuộc cạnh tranh nhằm thu hút nhân tài mang tính toàn cầu và do vậy, chúng tôi không ngừng rà soát, đánh giá lại các chính sách và biện pháp nhằm duy trì sức hấp dẫn của Singapore. Ví dụ, chúng tôi vừa công bố một thị thực mới là Overseas Networks and Expertise (ONE) Pass, hướng đến các nhân tài, doanh nhân, chuyên gia công nghệ đầu ngành, giới học thuật, các nhà lãnh đạo nghệ thuật, văn hóa và vận động viên thể thao hàng đầu đến với Singapore.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là thu nhập hấp dẫn, hay môi trường kinh doanh năng động, mà còn là khả năng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhân tài phát huy tối đa thế mạnh tiềm ẩn của họ khi quyết định đến với Singapore. Nếu phát hiện họ không thể phát huy năng lực, hay những dự án họ tham gia không hào hứng như kỳ vọng thì họ sẽ không có lý do để ở lại nơi này. Điều họ muốn là nước chủ nhà có khả năng giúp họ thực hiện những kiến tạo, phát triển mang tính đột phá, từ việc thí điểm các giải pháp cho đến thực thi và mở rộng quy mô.
Ví dụ, trong lĩnh vực fintech, vài năm trước, chúng tôi đã giới thiệu Khung pháp lý Thử nghiệm cho ngành tài chính (Fintech Regulatory Sandbox) của MAS, cho phép các định chế tài chính và người chơi fintech thử nghiệm với các sản phẩm hoặc dịch vụ tài chính sáng tạo trong môi trường trực tiếp ở một không gian và thời gian xác định. Tùy thuộc vào thử nghiệm, MAS sẽ cung cấp hỗ trợ pháp lý phù hợp.
Chúng tôi đã chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc cùng sự phát triển của một số công ty start-up về chuỗi khối tài chính (FinTech blockchain). Điều quan trọng là cần mở rộng khuôn khổ pháp lý khi lĩnh vực này phát triển, bởi hoạt động kinh doanh không thể phát triển nếu bị các quy định, văn bản pháp quy lỗi thời hạn chế sự sáng tạo. Sandbox pháp lý cho phép các ngành công nghiệp tiên tiến như fintech, Web3, Agritech thử nghiệm và kiểm tra các khái niệm với một số đảm bảo nhất định.
Singapore đã và đang hỗ trợ, thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và start-up từ nhiều quốc gia Đông Nam Á. Thưa ông, mục tiêu mà Singapore đang hướng đến trong chiến lược tạo dựng mạng lưới kết nối với các start-up và các nước là gì?
Chúng tôi đang nhắm đến một phương thức tiếp cận toàn diện nhằm khuyến khích đổi mới và kinh doanh. Chẳng hạn, trong nền kinh tế số, chúng tôi đề ra một lộ trình trong khu vực ASEAN từ năm ngoái. Năm nay, chúng tôi hướng đến phát triển các hợp đồng khung về sản phẩm hiệu quả, để tăng cường hợp tác linh hoạt giữa các quốc gia trong khu vực. Trong kỷ nguyên số hóa hiện nay, tạo ra một hệ thống mang tính tương kết là vấn đề tối quan trọng.
Chúng tôi cũng đang tìm kiếm các quy trình thực hành và giải pháp tối ưu nhất cho hệ thống giao dịch xuyên quốc gia, đặc biệt là cho khâu xuất hóa đơn và giao dịch trên hệ thống thương mại điện tử. Đó là những tiềm năng mà nền kinh tế số đã mở ra trong khu vực. Do đó, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, cần phát triển các chương trình số hóa, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển giải pháp số hóa sáng tạo.
Để sáng tạo trong nền kinh tế mới, chúng ta cần chú trọng không chỉ sự hợp tác ở cấp độ chính phủ, mà cả ở cấp độ doanh nghiệp giúp đỡ nhau số hóa. Các chính phủ, doanh nghiệp và người lao động đều cần phải thay đổi để đáp ứng nền kinh tế số. Doanh nghiệp trên đà số hoá, các nhà lãnh đạo cũng cần tạo điều kiện để người lao động học hỏi các kiến thức công nghệ và làm quen với hệ thống làm việc mới như hệ thống thanh toán số. Để làm được điều đó, chúng ta phải chú tâm đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao kỹ năng của họ, để họ có thể tự tin bước vào kỷ nguyên số hóa.
Vai trò của chúng tôi là tổ chức các chương trình nghị sự quốc gia, đề ra các khung pháp lý và chính sách đúng đắn để hỗ trợ và kết nối các bên liên quan, giúp họ tìm ra giải pháp thúc đẩy nền kinh tế số hóa và đưa ra các phát kiến mới mẻ. Tuy mỗi quốc gia có một hoàn cảnh đặc thù và cấu trúc kinh tế riêng biệt, nhưng chúng tôi tin rằng, đây là cơ hội để chúng ta tìm kiếm những giải pháp và mô hình kinh doanh mới.
Singapore hiện xếp thứ bảy trong Báo cáo Chỉ số Hệ sinh thái Khởi nghiệp Toàn cầu của Startup Blink, đứng thứ bảy về Chỉ số Đổi mới Toàn cầu. Nhiều quốc gia khác trong khu vực đang khởi nghiệp và đổi mới thành công. Mấu chốt của vấn đề là liệu chúng ta có thể cộng tác và tận dụng những tài năng, các lợi thế song phương hay không.
Singapore sẽ có những bước đi tiếp theo như thế nào?
Một trong những giải pháp có thể kể đến là hợp tác với Liên minh Đổi mới toàn cầu. Chúng tôi đã thiết lập một mạng lưới để kết nối các công ty đổi mới sáng tạo với các cộng đồng kinh doanh và công nghệ ở nước ngoài, nhằm tìm ra các giải pháp đổi mới và xác định các thách thức đổi mới trên toàn cầu.
Chúng tôi tin rằng, đổi mới sáng tạo không nên chỉ diễn ra ở phạm vi một quốc gia, hay một doanh nghiệp, mà phải trong toàn bộ khu vực. Chúng tôi muốn đưa tư duy đổi mới sáng tạo vượt khỏi Singapore để có thể tận dụng lợi ích song phương từ các nước láng giềng.