Thủ tướng khẳng định sẽ luôn hỗ trợ bà con người Việt tại Campuchia trong việc nâng cao địa vị pháp lý - Ảnh: N.AN
Chiều 9-11, trong chương trình chuyến thăm chính thức Campuchia và dự hội nghị cấp cao ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm, nói chuyện với cán bộ nhân viên đại sứ quán, đại diện doanh nghiệp và cộng đồng người Việt Nam tại Vương quốc Campuchia.
Báo cáo về tình hình bà con người Việt tại Campuchia, ông Sim Chy - chủ tịch Hiệp hội Khmer Việt Nam tại Campuchia - cho biết bà con luôn hướng về quê hương, Tổ quốc luôn trong trái tim, giữ gìn phong tục tập quán.
Dù có một bộ phận bà con có đời sống tốt hơn song đa phần gặp khó khăn, đặc biệt là về địa vị pháp lý.
Đại bộ phận người Việt tại Campuchia gặp khó
Do đó, ông kiến nghị chính phủ hai nước hỗ trợ về nâng cao địa vị pháp lý cho người Việt, giải quyết nhập quốc tịch trong thời gian sớm nhất, sửa đổi quy định về các giấy tờ như giấy khai sinh.
Hỗ trợ cho bà con sống ở dọc các bờ sông như Mekong, di dời người sinh sống từ biển Hồ lên bờ, tạo việc làm cho bà con người Việt; hỗ trợ học bổng; hỗ trợ kinh phí hoạt động hội…
Em Nguyễn Minh Hoàng, đại diện du học sinh Việt Nam đang học tập tại Campuchia, cho biết dù tác động dịch COVID-19 nhưng các du học sinh vẫn nỗ lực.
Tuy vậy, đời sống gặp nhiều khó khăn do ký túc xá xuống cấp, giá cả leo thang khiến ảnh hưởng đời sống. Do đó, em Hoàng kiến nghị Chính phủ quan tâm hơn, xem xét tăng học bổng, tăng thêm ngành học khác bên cạnh ngành học truyền thống ngữ văn Khmer.
Trong hơn 45 phút nói chuyện tâm tình, thân mật với bà con, Thủ tướng bày tỏ sự xúc động khi nghe bà con bộc bạch "tuy xa Tổ quốc nhưng trái tim luôn hướng về Tổ quốc".
Khẳng định bà con tuy ở xa nhưng sẽ vẫn luôn ở trong trái tim Tổ quốc, Thủ tướng cho rằng đây là mối quan hệ khăng khít không thể tách rời.
Hỗ trợ địa vị pháp lý, không để bà con phải cô đơn mưu sinh
Với những vất vả mà bà con đang phải đối mặt, liên quan đến đời sống kinh tế và vấn đề địa vị pháp lý, Thủ tướng hiểu những thiệt thòi của bà con khi không được tiếp cận y tế, giáo dục, sinh hoạt trong điều kiện khó khăn, khi gặp gió bão có thể "ngàn cân treo sợi tóc", điều kiện sinh kế, vệ sinh môi trường hạn hẹp…
Thủ tướng đã trả lời những kiến nghị mà đại diện cộng đồng người Việt tại Campuchia nêu ra - Ảnh: N.AN
Một lần nữa nhấn mạnh: "Đảng và Nhà nước luôn có bà con cô bác trong trái tim", Thủ tướng đề nghị cơ quan đại sứ quán tham mưu để có chính sách hỗ trợ cho bà con dựa trên cơ sở quy định pháp luật nước sở tại, tình hình thực tế.
Mặc dù đây là vấn đề khó do lịch sử để lại và không thể giải quyết trong ngày một ngày hai, nhưng Thủ tướng cho rằng "khó mấy cũng phải làm, đường có hiểm nghèo cũng có lối đi".
Vì vậy phải biến nguy thành cơ, không ngồi chờ kêu ca, không nêu ra mà không làm mà phải "kiên trì, thuyết phục".
Theo đó, Thủ tướng cho hay sẽ phối hợp với phía bạn để đưa ra tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng trong xác định địa vị pháp lý.
Di dời bà con sinh sống trên biển Hồ trên cơ sở nắm tình hình số lượng, phối kết hợp với nước sở tại về bố trí đất, nhà ở, kiểm đếm và phân loại cụ thể chứ không nói chung chung.
Đồng thời, Thủ tướng bày tỏ mong muốn bà con nỗ lực vượt qua khó khăn, vừa phải có kiến thức, học tiếng Việt, vừa học tiếng Khmer để phục vụ cho việc làm ăn sinh sống. Nỗ lực cố gắng vươn lên vì "không ai lo cho mình bằng chính mình".
Thủ tướng cho hay sẽ giao nhiệm vụ cho một số tập đoàn, tạo cơ hội và công ăn việc làm cho người Campuchia và có chính sách ưu tiên cho bà con vào làm việc trong các tập đoàn là "nhiệm vụ chính trị bắt buộc chứ không phải là nói suông", không để bà con cô bác vật lộn tự lo cuộc sống, cô đơn làm một mình.
Để chăm lo cho thế hệ trẻ, Thủ tướng cho rằng cần tập trung cho việc học hành, có kiến thức, cạnh tranh lành mạnh với thị trường lao động của Campuchia.
Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao nghiên cứu tổng thể chung cho người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như có phương án cho địa bàn đặc thù, khuyến khích là đối tượng nghèo, khó khăn, yếu thế. Khuyến khích cho các tập đoàn hỗ trợ, giúp con em người Việt học tiếng Khmer, hỗ trợ kinh phí cho hội…
Tuy vậy, Thủ tướng lưu ý việc đi lại, làm ăn sinh sống của người dân phải theo pháp luật, ảnh hưởng tới hình ảnh của người Việt Nam. Do đó, Thủ tướng đề nghị bộ ngành chức năng phối hợp cơ quan chức năng của Campuchia xây dựng đường biên giới hòa bình để tạo thuận lợi cho đi lại.
Về mối quan hệ với Campuchia, Thủ tướng nhấn mạnh quan trọng là "láng giềng tốt đẹp, hợp tác toàn diện" nên phải thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ này như một yếu tố khách quan, tất yếu, trong đó có sự đóng góp của bà con, xem Campuchia như Tổ quốc thứ hai để sống và cống hiến, hòa đồng, hợp pháp theo đúng pháp luật, góp phần củng cố tình hữu nghị.
TTO - Trong số 11 văn kiện đã được ký kết, điểm nhấn là Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia, tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại và thúc đẩy đầu tư giữa hai nước.