Đã có 11 văn kiện được ký kết trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP
Việt Nam và Campuchia vừa ra tuyên bố chung sau chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính theo lời mời của Thủ tướng Hun Sen từ ngày 8 đến ngày 9-11.
Chuyến thăm được đánh giá là có ý nghĩa, khi đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cương vị thủ tướng tới Vương quốc Campuchia, trong bối cảnh "Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam 2022" kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Hai thủ tướng hoan nghênh những thành tựu to lớn mà hai bên đã đạt được trong công cuộc xây dựng, đổi mới và phát triển kinh tế, các kết quả trong phòng chống dịch COVID-19. Với mong muốn cùng nhau thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương theo phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và bền vững lâu dài".
Lãnh đạo hai nước nhất trí tiếp tục tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc đã nêu tại Tuyên bố chung Việt Nam - Campuchia từ năm 1999 đến nay. Tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và giải quyết mọi vấn đề phát sinh giữa hai nước bằng biện pháp hòa bình.
Đưa hợp tác đi vào chiều sâu là khách quan, tất yếu
Lãnh đạo hai nước cũng hoan nghênh việc tổ chức thành công nhiều hoạt động ý nghĩa trong "Năm hữu nghị Campuchia - Việt Nam, Việt Nam - Campuchia 2022". Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy và tăng cường tinh thần hữu nghị truyền thống, láng giềng tốt đẹp, đoàn kết, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc.
Với sự phát triển hiệu quả của quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện, quan hệ chính trị giữa hai nước không ngừng được tăng cường thông qua trao đổi đoàn cấp cao, hai bên khẳng định quyết tâm củng cố và phát triển hơn nữa tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia, đưa hợp tác đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, coi đó là yêu cầu khách quan tất yếu.
Theo đó, hai bên quyết tâm tăng cường đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế, góp phần hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời bảo đảm hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.
Cần thiết phải tăng cường kết nối hai nền kinh tế về cơ sở hạ tầng cứng cũng như về thể chế và chính sách, gồm cả việc thúc đẩy sớm hoàn thành Quy hoạch tổng thể kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Campuchia đến năm 2030.
Nhằm thúc đẩy thương mại theo hướng cân bằng, hai bên thống nhất tạo thuận lợi cho thương mại song phương, đặc biệt là thương mại biên giới, thông qua thực hiện hiệu quả Hiệp định thương mại biên giới, Biên bản ghi nhớ về phát triển và kết nối cơ sở hạ tầng thương mại biên giới.
Trọng tâm là tăng cường hơn hợp tác kinh tế giữa các tỉnh giáp biên, thúc đẩy sự liên kết chuỗi cung ứng, sản xuất thông qua việc thực hiện quy định về cộng gộp xuất xứ nguyên liệu, phụ tùng xe đạp để hưởng ưu đãi thuế, tạo môi trường thuận lợi, ưu tiên hơn nữa cho đầu tư và thương mại, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp của hai nước, khuyến khích bảo hộ đầu tư…
Hai thủ tướng chủ trì Diễn đàn xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam - Campuchia - Ảnh: VGP
Nền tảng hợp tác kinh tế, thúc đẩy chuỗi cung ứng
Với hợp tác quốc phòng an ninh, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên nguyên tắc không cho phép bất kỳ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của mình làm phương hại đến an ninh và lợi ích của nước kia. Phối hợp chặt chẽ hợp tác quốc phòng, an ninh để giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ biên giới.
Thực hiện bảo hộ công dân, nỗ lực tìm kiếm, quy tập và hồi hương hài cốt quân tình nguyện Việt Nam, chiến sĩ Campuchia, hoàn thành phân giới cắm mốc với khoảng 16%, thúc đẩy hoạt động của hệ thống cửa khẩu…
Nâng cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng khác như pháp lý và tư pháp, lao động và xã hội, khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh, giáo dục và đào tạo, y tế, giao lưu văn hóa, du lịch, thể thao, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thực thi pháp luật trên biển và những lĩnh vực hợp tác khác.
Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh và đánh giá cao Vương quốc Campuchia đã luôn ủng hộ, không phân biệt đối xử đối với người gốc Việt đang sinh sống tại Campuchia trong những năm qua.
Hai bên đã trao đổi và nhất trí tiếp tục tăng cường hơn nữa sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong các khuôn khổ đa phương như Liên Hiệp Quốc và ASEAN, nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực, cũng như các diễn đàn tiểu vùng, bao gồm các cơ chế hợp tác Mekong.
Theo đó, Việt Nam tích cực ủng hộ Campuchia trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2022 với chủ đề "ASEAN hành động: Cùng nhau ứng phó thách thức", sẵn sàng hỗ trợ.
Tăng cường hợp tác Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, kết nối ba nền kinh tế gắn kết, bền vững và thịnh vượng, đóng góp vào Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, thúc đẩy đối thoại, tăng cường lòng tin, kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình…
TTO - Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng và phát triển thương hiệu để giữ chân khách hàng, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng tính cạnh tranh và tập trung cho xây dựng bệnh viện giai đoạn 2 tăng lên 500 gường bệnh.