Giá không tăng nhưng thực sự đắt hơn
Đứng ở lối đi siêu thị, với xe đẩy đầy những món bánh kẹo cần mua, đừng ngạc nhiên nếu bạn cảm thấy có điều gì đó không ổn với số hàng hóa mình vừa chọn. Dường như những thanh kẹo chocolate trông nhỏ hơn, bịch bánh phô mai cũng nhẹ hơn, và tiếng lắc túi snack cho thấy nó có vẻ “rỗng” hơn so với những gì bạn cảm nhận trước đây. Tất cả những thứ đó chính là biểu hiện của “hàng hóa teo nhỏ - shrinkflation” - hiện tượng các nhà sản xuất thu nhỏ, giảm trọng lượng sản phẩm của họ thay vì tăng giá.
Thanh chocolate Toblerone trước và sau khi bị “teo nhỏ”, giá bán thì vẫn giữ nguyên - ẢNH: AP |
Hai năm nay, đại dịch khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn. Các nhà sản xuất phải trả nhiều tiền hơn cho chi phí năng lượng, lao động và vận chuyển. Tất nhiên, các chi phí đó sẽ được chuyển cho người tiêu dùng. Giá xăng dầu tăng là điều dễ nhận biết, nhưng tại các cửa hàng tạp hóa, tình trạng “hàng hóa teo tóp” khó có thể nhận biết bằng cảm quan thông thường. Nhiều trường hợp, các sản phẩm được giữ nguyên kích thước, trọng lượng nhưng lại thay đổi thành phần. Chẳng hạn sữa, kem và đường trong món kem yêu thích có thể được thay thế bằng siro bắp và bột béo.
“Shrinkflation” thực ra không mới, các công ty đã sử dụng phương pháp này trong nhiều thập niên để bù đắp chi phí sản xuất gia tăng. Đây là từ ghép giữa “shrink - thu nhỏ” và “inflation - lạm phát”. Thuật ngữ xuất hiện vào những năm 2010 này tóm tắt những gì chúng ta đang nói đến, vì nó liên quan đến việc giảm số lượng sản phẩm để ngay từ cái nhìn đầu tiên, việc tăng giá trở nên không đáng chú ý. Về cơ bản, người tiêu dùng nhận được số lượng sản phẩm ít hơn với cùng một mức giá.
Thủ thuật này lợi dụng thói quen nhận thức của người tiêu dùng. Vì điều đầu tiên mọi người xem xét là giá, họ có xu hướng không nhận thấy sự thay đổi về chất lượng sản phẩm nếu giá vẫn giữ nguyên. Năm 2022, khi thuật ngữ này được nhắc đến nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông, người tiêu dùng mới bắt đầu nhận ra những cuộn giấy vệ sinh mỏng hơn, chai lăn khử mùi nhỏ hơn và túi snack đầy không khí. Có vẻ như không có sản phẩm nào không “shrinkflation”, bao gồm cả thức ăn cho thú cưng và bữa tối tại nhà hàng.
Phản ứng từ người tiêu dùng
Gần đây, một blogger ở Singapore phàn nàn rằng miếng cá hồi phi lê của cô từ một quán ăn quen thuộc đã trở nên quá nhỏ. Ngày càng có nhiều người ở đây phản ánh sự bất bình trên mạng xã hội về việc khẩu phần thức ăn ngày càng teo nhỏ.
Tại Mỹ, theo ứng dụng đánh giá Yelp, số lượng người dùng đề cập đến lạm phát khi đi ăn uống đã tăng 28% trong quý II so với cùng kỳ năm 2021. Suy cho cùng, đi ăn ở ngoài hay mua hàng đều là một trải nghiệm. Bất kỳ sự sai lệch nào so với kỳ vọng sẽ làm gia tăng sự thất vọng và tức giận, nhất là khi chúng ta không được thông báo trước về điều đó.
Điều này đặc biệt dễ xảy ra khi khách hàng quen thuộc với một quán ăn, một sản phẩm và đã quen với chất lượng cũng như định lượng của món hàng. Niềm tin dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ. Khi kỳ vọng không được đáp ứng, khách hàng sẽ cảm thấy bị phản bội. Cuối cùng, họ mất đi cảm giác mình là một khách hàng có giá trị. Trong trường hợp xấu nhất, khách hàng sẽ ngừng mua sản phẩm và tìm kiếm các lựa chọn thay thế. Những lời truyền miệng tiêu cực lan rộng từ một số khách hàng không hài lòng sẽ gây bất lợi cho danh tiếng của doanh nghiệp.
Về phương diện người tiêu dùng, “shrinkflation” là một nỗi lo nếu bạn có ngân sách eo hẹp. Đối mặt với tình trạng này, mỗi người có thể phải thay đổi thói quen tiêu dùng. Cách tốt nhất là chỉ mua sắm những gì bạn cần. Hoặc hãy mua sắm với bảng kế hoạch phân bổ ngân sách cho các mặt hàng chính yếu, trước khi bổ sung các món phụ như đồ tráng miệng và nước giải khát. Bạn cũng có thể kiểm tra các ứng dụng bán hàng để “săn” sản phẩm khuyến mãi hoặc mã giảm giá. Đối với những mặt hàng mà bạn cảm thấy dần teo nhỏ, hãy cân nhắc tìm sản phẩm khác thay thế.
Linh La (theo Washington Post, RD, CNA, Telegraph)
Xem thêm: lmth.4786741a-gnud-ueit-iougn-yat-gnort-ohn-oet-nad-aoh-gnah-mahp-cuht/nv.moc.enilnounuhp.www