Ngày 9/11, quyết định này được Công an TP Cần Thơ đưa ra sau 4 tháng giải quyết tin báo, kiến nghị khởi tố của Thanh tra thành phố về 7 gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị y tế của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á có dấu hiệu sai phạm. "Cơ quan điều tra đã có văn bản gửi ngân hàng, cơ quan giám định, bộ ngành, địa phương đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan các gói thầu với Việt Á nhưng chưa nhận được phản hồi. Trong khi đó thời hạn xác minh, điều tra tin báo, kiến nghị khởi tố (tối đa là 4 tháng) đã hết", một lãnh đạo Công an Cần Thơ nêu lý do.
Ông này cũng cho biết thêm, theo quy định hết thời hạn nếu chưa thu thập đủ hồ sơ, tài liệu để chứng minh có tội phạm hay không thì phải tạm đình chỉ. Khi nào có kết quả trả lời, hồ sơ từ các đơn vị liên quan cùng với kết quả xác minh trước đó thì công an phục hồi điều tra và xem xét, quyết định có hay không khởi tố vụ án.
Hồi tháng 6, Thanh tra Cần Thơ kiến nghị lãnh đạo thành phố chuyển hồ sơ 7 gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị y tế của Việt Á sang công an để điều tra dấu hiệu sai phạm. Lý do là 5 gói thầu Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Cần Thơ chỉ định thầu, mua sắm kit xét nghiệm của Việt Á có dấu hiệu "cố ý lựa chọn sản phẩm" của doanh nghiệp này, đồng thời chỉ định Công ty TNHH Khoa học Hợp Nhất là đơn vị cung cấp.
Theo kết luận thanh tra, CDC Cần Thơ đã hợp thức hóa hồ sơ mua sắm để thực hiện thanh toán cho nhà thầu không đúng quy định, vi phạm các quy định về đấu thầu, gây thiệt hại ngân sách.
Tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, một gói thầu mua sắm kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Á theo hình thức chỉ định thầu cũng có dấu hiệu của tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, một gói thầu mua sắm máy X-quang di động kỹ thuật số phục vụ phòng chống Covid-19 tại Bệnh viện Y học cổ truyền cũng có dấu hiệu vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng...
Thanh tra Cần Thơ cho rằng Sở Tài chính phải có trách nhiệm trong việc thẩm định giá các gói thầu y tế "có dấu hiệu sai phạm" với Việt Á, song cơ quan này phản đối. Sau đó, ông Nguyễn Quang Nghị, Giám đốc Sở Tài chính, gửi văn bản đến UBND TP Cần Thơ với nội dung "Thanh tra kết luận mang tính chủ quan, không đủ cơ sở, không phù hợp, không sát với tình hình diễn biến của dịch bệnh".
Theo Sở Tài chính, quy trình, thủ tục trình phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm đều đã được báo cáo, có ý kiến thống nhất từ tổ chỉ đạo, điều hành, tổ tài chính, hậu cần Sở chỉ huy phòng chống dịch. Kế hoạch mua sắm theo hình thức chỉ định thầu cũng đã được thông qua và thống nhất của tập thể Ban thường vụ Thành ủy, Ban cán sự Đảng UBND TP Cần Thơ...
Trước quan điểm này, ông Trần Phước Hoàng, Chánh Thanh tra TP Cần Thơ, khẳng định đã thực hiện chức trách dựa trên cơ sở là hồ sơ thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt của Sở Tài chính - do cơ quan, đơn vị có liên quan cung cấp. Hồ sơ đã thể hiện trách nhiệm của Sở Tài chính và các cá nhân liên quan trong việc thẩm định các gói thầu mua sắm vật tư y tế.
Ngoài việc căn cứ các quy định của pháp luật, Thanh tra thành phố đã cân nhắc, xem xét nhiều khía cạnh, đối chiếu với tình hình thực tiễn phát sinh lúc dịch bệnh.
Sau khi nhận được báo cáo này của Thanh tra, giữa tháng 7, UBND TP Cần Thơ đã yêu cầu công an và các ngành liên quan "khẩn trương thực hiện kết luận về nhiều gói thầu mua sắm vật tư y tế sai phạm"...
Hơn 9 tháng qua, từ khi vụ án Việt Á bị phanh phui, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) và công an các địa phương đã khởi tố hơn 90 người.
An Bình
Xem thêm: lmth.7193354-a-teiv-iov-uaht-iog-7-gnort-mahp-iot-ueih-uad-neih-tahp-auhc-oht-nac/ten.sserpxenv