Bảng di tích địa đạo Gò Quánh - Ảnh: Báo Bình Định
Ngày 10-11, ông Lâm Hải Giang - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho biết UBND tỉnh vừa có quyết định phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử địa đạo Gò Quánh (phường Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn). Đây là địa đạo duy nhất ở tỉnh Bình Định.
Theo các tài liệu lịch sử, từ năm 1964 đến năm 1968, hệ thống địa đạo Gò Quánh được các đảng viên và lực lượng du kích địa phương đào làm công sự ngầm dưới lòng đất, làm nơi trú quân, tránh bom đạn và trạm quân y dã chiến, đồng thời là nơi cất giấu vũ khí phục vụ chiến tranh du kích, giúp lực lượng vũ trang bám trụ trong lòng dân đánh giặc.
Địa đạo có 12 miệng hầm, đường kính khoảng 1,6m, sâu 10-13m, tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 7km.
Năm 1969, khi địa đạo Gò Quánh đang được tiếp tục đào để phục vụ kháng chiến lâu dài thì bị địch phát hiện, càn quét, san ủi một số miệng hầm. Quân ta di chuyển đến khu vực bí mật khác để tiếp tục kháng chiến.
Với ý nghĩa và giá trị lịch sử ấy, địa đạo Gò Quánh đã được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 7-3-2019.
Một miệng hầm địa đạo Gò Quánh - Ảnh: Báo Bình Định
Trải qua thời gian, nhiều yếu tố gốc của di tích địa đạo Gò Quánh bị mai một và không còn nguyên vẹn.
UBND tỉnh Bình Định nhận thấy việc tổ chức khảo sát, lập quy hoạch bảo quản, đầu tư xây dựng, phục hồi di tích lịch sử địa đạo Gò Quánh là cần thiết, phù hợp với chủ trương của tỉnh, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích và xem đây là một điểm đến để tìm hiểu về lịch sử, một "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng đối với các thế hệ hôm nay và mai sau về nghệ thuật chiến tranh du kích của cha ông.
Quy hoạch được triển khai trên diện tích gần 7,5ha với một số nội dung đáng chú ý như: tu bổ, phục hồi 12 miệng hầm và 1 đoạn hầm địa đạo dài khoảng 155m, chỉnh trang và xây dựng sân tạo điểm đứng tham quan các miệng hầm, xây dựng một số khu chức năng và các công trình đảm bảo cho hoạt động của khu di tích…
TTO - Địa đạo Củ Chi có cơ hội trở thành di sản thế giới không? Câu hỏi này đang được nhiều người quan tâm, bởi TP.HCM hiện chưa có một di sản vật thể nào được đưa vào lộ trình đề xuất là di sản thế giới.