Thủ tướng Phạm Minh Chính có bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về kinh doanh và đầu tư ASEAN - Ảnh: DƯƠNG GIANG
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN, trưa 10-11, các nhà lãnh đạo ASEAN đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về kinh doanh và đầu tư ASEAN 2022 (ASEAN BIS). Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu tại hội nghị.
Với chủ đề "chung tay ứng phó với thách thức", Thủ tướng cho rằng đây là dịp quan trọng để nhìn lại những thành tựu cũng như xác định các khó khăn, thách thức nhằm đưa ra phương hướng tiếp tục xây dựng một ASEAN đoàn kết, thống nhất, phục hồi nhanh và ứng phó hiệu quả với những thách thức toàn cầu trong một thế giới bất định.
Trong bối cảnh thế giới luôn biến động, tiềm ẩn nhiều rủi ro, để ứng phó với những thách thức mang tính toàn cầu, theo Thủ tướng cần phải có cách tiếp cận và giải pháp mang tính toàn cầu, vượt qua khủng hoảng, phục hồi kinh tế.
Do vậy, cần sự nỗ lực, đoàn kết, chung tay vun đắp của tất cả 10 nước thành viên ASEAN cũng như của các bạn bè, đối tác.
Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ: Chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan cần triển khai hiệu quả giải pháp phục hồi toàn diện, tập trung vào: phục hồi, số hóa, và bền vững, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để thúc đẩy phục hồi xanh.
Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN cần nắm chắc thời cơ, vận hội do Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mang lại. Đây vốn là hiệp định thương mại tự do khu vực lớn nhất hiện nay, giúp mở rộng liên kết thị trường, phát triển chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, hài hòa hóa các quy định về xuất xứ, thủ tục thuế quan, hải quan, kiểm dịch, tiêu chuẩn kỹ thuật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu các khuyến nghị và giải pháp phục hồi toàn diện - Ảnh: DƯƠNG GIANG
Thủ tướng cũng cho rằng, cần triển khai hiệu quả chiến lược tổng thể ASEAN về cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Hiệp định ASEAN về thương mại điện tử, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối khu vực và phục hồi kinh tế.
Trong đó, ASEAN BAC phát huy vai trò tiên phong trong những hoạt động hợp tác, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ...; đẩy mạnh chuyển dịch sang mô hình kinh tế tuần hoàn ưu việt, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, cần thúc đẩy hơn nữa nỗ lực chung, tăng cường hợp tác công - tư trên cơ sở doanh nghiệp cần đồng hành chặt chẽ cùng các Chính phủ trong việc khởi xướng, đề xuất các ý tưởng, sáng kiến để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi bền vững và có khả năng thích ứng cao hơn.
Nhấn mạnh Việt Nam luôn đề cao và tôn trọng các nguyên tắc và bản sắc của ASEAN, vì một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, Thủ tướng khẳng định sẽ thực hiện nghiêm túc các cam kết và nghĩa vụ thành viên.
Với những kết quả mà Việt Nam đạt được sau hơn 35 năm đổi mới, quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 400 tỉ USD (tăng khoảng 15 lần), mặc dù chịu tác động của đại dịch COVID-19 nhưng Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng GDP cao khi ước cả năm đạt 8%.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất. Đó là giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô, tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực.
Phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính. Xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng hợp tác để đẩy mạnh kết nối hạ tầng kỹ thuật số, hướng tới khu vực phát triển kỹ thuật số đồng đều và bền vững; đồng hành cùng các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN cũng như các nước đối tác, nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất để tận dụng tối đa cơ hội kinh doanh, đầu tư.
Công tác chuẩn bị cho Cấp cao ASEAN đã sẵn sàng
Ngày 10-11, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã nhóm họp tại Phnom Penh để rà soát công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu tham dự các hội nghị.
Đến nay công tác chuẩn bị đã được sẵn sàng, với lịch trình dày đặc với gần 20 hoạt động trong chưa đầy 4 ngày, lãnh đạo các nước ASEAN cùng 10 đối tác sẽ có dịp trao đổi sâu rộng về xây dựng Cộng đồng ASEAN, hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, chia sẻ quan điểm về định hướng giải pháp cho nhiều vấn đề khu vực và quốc tế. Sẽ có khoảng 100 văn kiện được trình lên lãnh đạo các nước ghi nhận và thông qua.
Đến nay, 285 trong tổng số 290 dòng hành động của kế hoạch tổng thể Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN đã được triển khai, đạt tỉ lệ 98%.
Gần 98% các sáng kiến trong khuôn khổ phục hồi tổng thể ASEAN được đưa vào triển khai trên cả 5 trụ cột về củng cố hệ thống y tế, an ninh con người, hội nhập kinh tế, chuyển đổi số và phát triển bền vững.
Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 đã giải ngân hơn 10 triệu USD Mỹ mua vắc xin COVID-19 và sắp tới sẽ tiếp tục giải ngân 7 triệu USD Mỹ mua vắc xin đậu mùa khỉ.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao vai trò chủ tịch ASEAN 2022 của Campuchia với nhiều sáng kiến thiết thực.
Bộ trưởng cũng đề nghị ASEAN cần gửi thông điệp rõ ràng tới các đối tác về thúc đẩy hợp tác và đối thoại thiện chí, thay vì đối đầu và chỉ trích, tại các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Đồng thời khẳng định ASEAN hoan nghênh các đối tác tham gia hợp tác khu vực trên tinh thần cởi mở, minh bạch, bao trùm và tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN.
TTO - Sáng 10-11, lãnh đạo các nước ASEAN đã tiếp kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni tại Cung Hòa bình nhân Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Phnom Penh.