Người dân xếp hàng mua xăng ở Hà Nội vào tối 5-11 - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết đã có tổng hợp báo cáo Thủ tướng, các phó thủ tướng tình hình thông tin, báo chí, dư luận xã hội liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có nội dung về điều chỉnh giá xăng dầu và việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu của Bộ Công Thương.
Theo báo cáo, sau ba lần điều chỉnh, giá xăng và các mặt hàng dầu trong nước đồng loạt đi lên trong kỳ điều hành ngày 1-11 và giá xăng RON95 vượt ngưỡng 22.750 đồng. Tuy nhiên nhiều cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội vẫn "hết hàng" hoặc bán "nhỏ giọt".
Về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu, báo cáo cho biết Bộ Công Thương đã có văn bản gửi đến 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu để phân giao sản lượng nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu thị trường cuối năm.
Theo đó Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) dù kêu lỗ nặng trong chín tháng năm 2022 nhưng vẫn được Bộ Công Thương phân giao sản lượng nhập khẩu nhiều nhất với 2.145.000 m3/tấn.
Sau khi xem xét báo cáo của Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu bộ trưởng Bộ Công Thương giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, đảm bảo minh bạch, hiệu quả.
Trước đó, Chính phủ ban hành nghị quyết 143 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2022.
Trong nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND cấp tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực.
Theo dõi sát tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, chính xác, không chuyển trạng thái đột ngột.
Riêng đối với Bộ Công Thương, Chính phủ yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước; điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Bộ Công Thương còn có trách nhiệm rà soát, sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung nghị định 95 và nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Lấy đủ ý kiến các đối tượng chịu tác động, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, công khai, minh bạch, hiệu quả, hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân, trình Chính phủ trong tháng 11-2022.
TTO - Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong bối cảnh giai đoạn vừa qua khi giá xăng dầu thế giới nhiều biến động, việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả, tạo "bước đệm" bình ổn giá.