Hội thảo Chất lượng của quy định và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh diễn ra sáng 11/11/2022.
Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài được nhắc đến như một ví dụ điển hình và thời sự nhất về ảnh hưởng của Thông tư, công văn.
“Chỉ 1 thông tư thôi, nhưng đang làm xáo trộn cuộc sống của người dân, doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI đặt vấn đề ngay trong phần phát biểu khai mạc Hội thảo Chất lượng của quy định và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh diễn ra sáng 11/11/2022.
Suốt từ ngày hôm qua, sau thông báo các đơn vị tổ chức thi Ielts tạm dừng các kỳ thi đã công bố, nhiều học sinh, sinh viên xôn xao, lo lắng vì sợ không kịp hoàn tất hồ sơ du học. Lý giải về việc này, Bộ Giáo dục Đào tạo cho biết do thực hiện Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT, Bộ GD-ĐT đang tiếp nhận hồ sơ đề nghị phê duyệt đề án liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tại Việt Nam. Để được tổ chức thi, các bên liên kết cần làm hồ sơ theo mẫu gửi Bộ phê duyệt. Hồ sơ gồm Đơn đề nghị, Thỏa thuận hoặc hợp đồng giữa cơ sở tổ chức thi tại Việt Nam và cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ nước ngoài, Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của các bên liên kết, Đề án tổ chức thi để cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
"Nếu hồ sơ đảm bảo các yêu cầu, Bộ sẽ xử lý nhanh nhất để bảo đảm đúng quy định, khoảng 20 ngày" là cam kết từ đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thực tế, thông tư, công văn là cầu nối, truyền tải các chính sách trong các quy định tại luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào cuộc sống.
Thậm chí, trong nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp lệ thuộc vào thông tư, theo nghĩa là đợi thông tư để thực thi hơn là trực tiếp tuân thủ các quy định luật, nghị định. “Thực trạng này rõ thấy nhất trong lĩnh vực thuế, ngân hàng”, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Ban Pháp chế (VCCI) nhận định khi thay mặt nhóm nghiên cứu chia sẻ Nghiên cứu.
Tuy nhiên, đáng lo ngại là doanh nghiệp ít có cơ hội đóng góp ý kiến đối với phiên bản dự thảo cuối cùng của thông tư trước khi được ban hành, nên đã từng có thông tư vừa được ban hành đã phải tạm ngừng. Thông tư 15/2019/TT-BKHCN về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ bị ngưng hiệu lực sau 8 tháng phát sinh hiệu lực là một ví dụ điển hình.
Lý do là sau khi được ban hành, các doanh nghiệp chịu tác động liên quan mới ngã ngửa vì không biết, không có cơ hội tham gia ý kiến trước. Hệ quả là cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước phải mất nhiều chi phí, thời gian để “làm lại từ đầu” trước khi quyết định tạm hoãn hiệu lực của văn bản này.
Việc này không phải cá biệt. Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam sau khi liệt kê một loạt thông tư đang làm khổ doanh nghiệp đã buộc phải thẳng thắn là thông tư vẫn to hơn nghị định.
“Thông tư còn nguy hiểm hơn tham nhũng, vì thông tư chất lượng kém khiến doanh nghiệp không làm được, cản trở doanh nghiệp thì người dân không có việc làm, thì nhà nước làm sao thu được ngân sách. Đáng ra thông tư là thúc đẩy doanh nghiệp làm theo luật, phanh trước doanh nghiệp những vùng cấm. Tôi rất mong muốn các ý kiến này, các vấn đề mà VCCI đang nghiên cứu đến được Chính phủ, Quốc hội”, ông Đệ thẳng thắn.
Rõ ràng, quy trình xây dựng thông tư hiện nay có vấn đề. Nhưng cùng quy trình này, thì có những thông tư được các doanh nghiệp gọi là điểm sáng, như Thông tư 29/2020/TT-BYT cho phép duy trì hiệu lực giấy đăng ký lưu hành 12 tháng để giải quyết tình trạng khó khăn do Covid-19; Thông tư 16/2021/TT-NHNN cho phép triển khai mở tài khoản thanh toán cá nhân bằng phương thức điện tử...
“Doanh nghiệp đánh giá cao các thông tư trên bởi tư duy của cơ quan soạn thảo. Thực tế cho thấy, nếu chất lượng thông tư, công văn tốt, có thể tốt hơn cho thực thi luật và ngược lại, thông tin không tốt sẽ cản trở những chính sách tốt để môi trường đầu tư – kinh doanh”, bà Hồng nhận định.
Trong Nghiên cứu, VCCI đã đề xuất 5 kiến nghị. Một là minh bạch quy trình xây dựng thông tư. Hai là có tiêu chí về điều kiện kinh doanh. Ba là kiểm soát việc ủy quyền cho thông tư từ luật. Bốn là nâng cao chất lượng báo cáo RIA (đánh giá tác động). Năm là minh bạch về quy trình tiếp nhận phản ánh vướng mắc.
Nếu không làm rõ các vấn đề trên, các chuyên gia của VCCI lo ngại, tình trạng luật úng, luật khung, thậm chí thông tư to hơn nghị định như ông Đệ nói sẽ trở lại.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) còn lo ngại hơn, cho rằng nghiên cứu này đưa ra sớm hơn thì tốt hơn nhiều. Trong bất động sản, 12 luật liên quan, mà không luật nào theo luật nào, nên doanh nghiệp như trong một mớ bòng bong, nhiều cuộc gặp tháo gỡ vẫn chưa xong.
“Nếu nói ách tắc thì chắc nói suốt ngày không hết, nhiều văn bản trớ trêu”, ông Hiệp chia sẻ thực tế. Và sự trớ trêu này nằm cả ở luật, nghị định. Đơn cử, Luật Nhà ở quy định bảo hành là của chủ đầu tư là 60 tháng với nhà chung cư, Luật Xây dựng quy định thời hạn bảo hành tối đa đối với công trình cấp đặc biệt và cấp 1 cũng chỉ tối đa là 24 tháng.
“Hai văn bản luật này đều do Bộ Xây dựng được giao chủ trì soạn thảo, nhưng do 2 cục của Bộ chắp bút thôi mà đã ra hai quy định khác nhau về cùng 1 vấn đề. Tôi đã chất vấn Bộ Xây dựng nhưng không ai trả lợi được. Doanh nghiệp làm thực hiện thế nào, nên có doanh nghiệp nói với tôi họ không dám đầu tư nữa”, ông Hiệp nói.
Cùng với phát biểu, ông Hiệp cũng gửi tới Hội nghị danh sách dài những vướng mắc mà Hiệp hội đã thống kê.
Chia sẻ tình trạng này, bà Trần Ngọc Ánh, Đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cũng kể thực tế các doanh nghiệp tham gia góp ý nhiều văn bản, nhưng cũng không biết được tiếp thu thế nào, nhưng khi văn bản ra thì lại không thấy tiếp thu, không thực hiện được, đến mức có trường hợp cơ quan quản lý phải ra công văn để xử lý.
Nhưng ở hình thức công văn, nhiều khi doanh nghiệp nhận được mà không biết vận dụng ra sao, vì cách trả lời "liệt kê các quy định hiện có" trong khi doanh nghiệp cần là làm theo quy định nào thì không rõ.
“Còn có nỗi khổ từ các quy định không tương thích với các quốc gia khác, nên nhiều doanh nghiệp bị phạt, không cho thông quan”, bà Anh nói và cho rằng, phải cải cách từ phương pháp làm văn băn quy phạm pháp luật.
“Quy định là do con người tạo ra, muốn cởi trói thì phải tháo bỏ mọi rào cản”, bà Ánh đề xuất.