Mặc dù chỉ số VN-Index ghi nhận sắc xanh nhưng thanh khoản chủ yếu ở nhóm VN30, do đó dẫn đến tình trạng hơn 200 mã giảm kịch sàn và chỉ số HNX-Index vẫn giảm giá. Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/11, VN-Index tăng 7,29 điểm, tương ứng 0,77% lên 954,53 điểm với 233 mã giảm, 213 mã tăng và 60 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 2,58 điểm, tương ứng 1,34% xuống 189,81 điểm với 65 mã tăng, 115 mã giảm và 47 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,18 điểm, tương ứng 0,26% xuống 68,62 điểm. Chỉ số đại diện nhóm VN30 ghi nhận mức tăng cao nhất 12,06 điểm với 22 mã tăng.
Mức thanh khoản ngày 11/11 đã được cải thiện hơn nhưng vẫn chủ yếu là bán tháo. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 12.437 tỷ đồng, tăng 2% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE đạt 10.992 tỷ đồng, tăng 2% phiên 10/11. Nhóm VN30 được sang tay gần 4.697 tỷ đồng.
Xu hướng giảm chưa có tín hiệu kết thúc
Chứng khoán BOS: Về kỹ thuật, VN-Index tăng điểm nhẹ và đóng cửa với cây nến dạng Doji nằm hoàn toàn trong thân nến giảm phiên trước để tạo thành cặp nến Harami có khả năng đảo chiều. Điểm số phản ứng ở vùng biên dưới của mô hình giảm giá với volume lớn cho thấy lực bán mạnh đã được hấp thụ một cách chủ động.
Dù xu hướng giảm chưa có tín hiệu kết thúc, nhưng một số cổ phiếu vốn hóa lớn đã có giai đoạn tạo đáy thời gian qua. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục quan sát thị trường, có thể tham gia tỷ trọng nhỏ với một số mã thuộc nhóm ngân hàng quốc doanh.
Các tín hiệu tạo đáy ngắn chưa đủ tin cậy
Chứng khoán VCBS: Sự phục hồi kỹ thuật tại phiên giao dịch cuối tuần đã phần nào xoa dịu nỗi âu lo trong lòng nhà đầu tư nhưng thanh khoản vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng thấp. Ở góc nhìn kỹ thuật, tại đồ thị tuần, chỉ báo MACD vẫn đang hướng xuống tiêu cực và chưa có dấu hiệu tạo đáy trung hạn. Bên cạnh đó, chỉ báo RSI tiếp tục ở ngưỡng quá bán, chưa có tín hiệu phục hồi và hoàn toàn có khả năng thủng ngưỡng 22.
Nếu VN-Index xuyên thủng vùng đáy được tạo tuần trước thì sẽ có xác suất hướng về vùng điểm 900 tương ứng với ngưỡng 1.0 của thang đo Fibonacci mở rộng. VCBS khuyến nghị nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp phục hồi kỹ thuật của thị trường để hạ tỉ trọng cổ phiếu và tăng tỉ trọng tiền mặt để giảm thiểu rủi ro, ngoài ra VCBS cho rằng hiện các tín hiệu tạo đáy ngắn cũng chưa đủ tin cậy nên nhà đầu tư nên ưu tiên quan sát thêm diễn biến giao dịch trong những phiên tới và hạn chế việc bắt đáy.
VN-Index có thể kiểm định lại vùng kháng cự quanh 950-960
Chứng khoán Apec: VN-Index lại có phiên giảm mạnh nhất trên thế giới cho thấy khó khăn của thị trường trong nước là do yếu tố nội tại. Nhà đầu tư sau nhiều lần bắt đáy không thành công sẽ thận trọng, bên cạnh nguồn lực cạn kiệt thì tâm lý cũng sẽ chuyển sang phòng thủ.
Về kỹ thuật, VN-Index để mất ngưỡng hỗ trợ ở mức đáy tháng 10 đang tạo tín hiệu xấu, kích hoạt áp lực cắt lỗ khiến thanh khoản tăng lên. Đồng thời, thị trường đang giảm vào vùng quá bán ngắn hạn cho nên thị trường vẫn có khả năng sẽ xuất hiện các nhịp hồi kỹ thuật. Việc Mỹ công bố lạm phát thấp bất ngờ có thể là tín hiệu hỗ trợ cho thị trường khi thị trường Mỹ cũng có phiên tăng điểm rất mạnh. Trong phiên tới, VN-Index sẽ có thể kiểm định lại vùng kháng cự quanh ngưỡng 950-960 điểm.
VN-Index sẽ tiếp tục chịu áp lực bán mạnh
Chứng khoán BVSC: VN-Index giảm về vùng hỗ trợ mạnh 930-940 điểm trong trạng thái quá bán diễn ra trên diện rộng ở hầu hết các nhóm cổ phiếu cũng là một dấu hiệu tích cực có thể giúp chỉ số tiếp tục hồi phục tăng điểm trong những phiên đầu tuần tới.
Mặc dù vậy, BVSC lưu ý rằng, nếu thị trường mở cửa tăng điểm mạnh ngay đầu phiên sẽ là tín hiệu không tích cực đối với thị trường, đặc biệt trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư thường khá yếu vào các ngày cuối tuần và đầu tuần do lo ngại các thông tin tiêu cực có thể xuất hiện vào các ngày nghỉ cuối tuần. Trong kịch bản này, VN-Index sẽ tiếp tục chịu áp lực bán mạnh và có thể xác lập điểm thấp mới trong vùng 900-930 điểm.