0h ngày 11-11, tại hàng loạt cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội vẫn có rất đông người dân xếp hàng để đổ xăng - Ảnh: PHẠM TUẤN
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định không thiếu xăng dầu, có nghĩa là vấn đề bất ổn xăng dầu hiện nay không nằm ở nguồn cung, mà nằm ở giá xăng dầu, các cửa hàng bán lẻ bị lỗ nên không thể kinh doanh.
Như vậy, cảnh tượng "xưa nay hiếm" diễn ra gần một tháng nay cho thấy cơ chế điều hành xăng dầu đang có vấn đề, các giải pháp đưa ra từ trước đến nay không thể giải quyết tận ngọn.
Ngay chiều tối 11-11, rạng sáng 12-11, sau cuộc họp bàn về các vấn đề liên quan đến điều hành xăng dầu do Phó thủ tướng Lê Minh Khái và Phó thủ tướng Lê Văn Thành đồng chủ trì, tình cảnh người dân xếp hàng dài, mệt mỏi giữa khuya chờ đổ xăng vẫn diễn ra tại nhiều cây xăng ở Hà Nội.
Trong khi đó, dọc một số vỉa hè, người dân chớp thời cơ đã hình thành nên một số "cây xăng cục gạch" vận hành theo đúng "quy luật thị trường": giá do người bán quyết định và người mua phải chấp nhận mua nếu không muốn rồng rắn hàng dài chờ đổ ở cây xăng.
Hiện tượng này cho thấy hệ thống tổ chức và vận hành thị trường xăng dầu hiện nay, từ việc áp giá cơ sở, tỉ lệ chiết khấu, kỳ điều hành giá... có nhiều bất cập.
Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới, cũng như các chi phí, phụ phí kinh doanh biến động liên tục, khó lường, nỗ lực tháo gỡ về cơ cấu tính giá, đảm bảo các yếu tố cấu thành giá được tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở, bổ sung thêm các chi phí (chưa được tính vào giá thành) của cơ quan quản lý cũng bất lực.
Việc đưa ra giá xăng dầu cơ sở cho thấy cơ quan quản lý muốn duy trì cơ chế hài hòa lợi ích nhiều bên, nhưng việc này đang đi ngược dòng với quy luật thị trường và thực tế lợi ích các bên không được hài hòa. Doanh nghiệp kinh doanh vẫn kêu lỗ, người dân vẫn vất vả đổ xăng dầu.
Những "cây xăng cục gạch" mọc lên là vi phạm pháp luật, nhưng hiện tượng này cho thấy hệ thống tổ chức và vận hành thị trường xăng dầu hiện nay, từ việc áp giá cơ sở, tỉ lệ chiết khấu, kỳ điều hành giá... có nhiều bất cập - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Cơ quan quản lý hiện có thể nghĩ đến phương án sử dụng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV Oil) để ổn định tình hình. Tuy nhiên, với hệ thống chỉ khoảng 3.200/17.000 cửa hàng bán lẻ, hai đơn vị này rất khó đảm nhận nhiệm vụ kiểm soát, ổn định việc bán xăng dầu.
Giải pháp trước mắt, ngoài giảm thời gian kỳ điều hành xuống ngắn nhất để linh hoạt điều hành giá xăng dầu theo biến động của thị trường thế giới, cơ quan quản lý cần quy định đảm bảo lợi nhuận định mức cho hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ.
Đồng thời, để kiểm soát giá xăng dầu đáp ứng mục tiêu kiềm chế lạm phát, Nhà nước chỉ còn cách chấp nhận bù lỗ cho toàn hệ thống phân phối xăng dầu, bao gồm cả đơn vị phân phối, đầu mối, tổng đại lý, đại lý, nhượng quyền phân phối.
Về lâu dài, phải để doanh nghiệp tự định giá bán như những người dân đang bán ở "cây xăng cục gạch". Thay vì công bố giá xăng dầu cơ sở theo từng kỳ điều hành, nên để doanh nghiệp tự định giá bán xăng dầu.
Nhà nước chỉ cần quy định khi giá xăng dầu thế giới tăng lên một mức nào đó, doanh nghiệp được điều chỉnh giá bán (tăng, giảm). Cơ quan quản lý nhà nước sẽ thanh tra, kiểm tra để kiểm soát việc tăng, giảm giá của doanh nghiệp có đúng hay không.
Nhà nước cũng có thể "can thiệp" bằng công cụ thuế, phí và hỗ trợ trực tiếp cho người dân bằng các quỹ hỗ trợ để họ tính toán vấn đề tiêu dùng.
Doanh nghiệp đầu mối xăng dầu kinh doanh có lãi cũng sẽ là điều kiện cần thiết để các ngân hàng thương mại tự tin cấp hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp nhằm duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối cũng như dự trữ tồn kho.
Còn với thực tế doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang chịu lỗ như hiện nay, kể cả ngân hàng có đáp ứng nhu cầu vốn, doanh nghiệp cũng ngần ngại khi sử dụng hết hạn mức để nhập xăng dầu.
Giá xăng dầu trên thị trường thế giới hiện thay đổi chóng mặt, nay tăng, mai giảm với biên độ bất thường, không theo một quy luật nào. Việc nỗ lực áp giá xăng dầu theo mệnh lệnh hành chính, không tôn trọng quy luật thị trường, không chỉ không giải quyết dứt điểm tình cảnh thiếu xăng dầu cục bộ, mà còn đẩy người dân vào những bất ổn "hiếm thấy", giữa đêm khuya phải xếp hàng chờ đổ xăng.
TTO - Tổng nguồn xăng dầu đến nay là 18,6 triệu tấn, đạt trên dưới 90% nhu cầu tiêu dùng trong cả năm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định nguồn cung xăng dầu không thiếu, nhưng vẫn bị đứt gãy ở một số phân khúc.
Xem thêm: mth.24734530121112202-hcag-cuc-gnax-yac-gnout-neih-ut-nihn-uad-gnax-aig-hnah-ueid/nv.ertiout