Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) mới đây đã có công văn yêu cầu một loạt doanh nghiệp niêm yết phải công bố thông tin giá cổ phần giảm sàn 5 phiên liên tiếp.
Theo HoSE, qua công tác giám sát giao dịch các cổ phiếu trên thấy giá cổ phiếu đã giảm sàn 5 phiên liên tiếp từ ngày 4/11 đến 10/11.
Do đó, căn cứ quy định, HoSE yêu cầu các doanh nghiệp trong thời hạn 24h kể từ khi giá cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp trở lên phải báo cáo, công bố các thông tin liên quan đến công ty có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu.
Việc giảm sàn liên tiếp 5 phiên đã khiến giá trị của nhiều cổ phiếu cũng như vốn hoá của các doanh nghiệp suy giảm rất mạnh. Trước yêu cầu trên của HoSE, các doanh nghiệp cũng đã ngay lập tức có động thái lên tiếng phân trần.
Đa phần các doanh nghiệp đều cho rằng cổ phiếu có diễn biến tiêu cực do chịu ảnh hưởng chung của nền kinh tế, đồng thời khẳng định công ty đã và đang cố gắng hết sức để thực hiện mục tiêu kinh doanh năm trước bối cảnh đầy biến động của thị trường.
Ngoài ra, có doanh nghiệp đã lên tiếng “kêu cứu”, mong Nhà nước mau chóng vào cuộc để bình ổn lại thị trường cũng như lấy lại niềm tin của nhà đầu tư trong tình hình khó khăn hiện nay.
Cụ thể, Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (HoSE: FTS) đã công bố bản giải trình với lý giải giá cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm mạnh trong một tuần gần đây. Đồng thời FTS cho biết Công ty vẫn hoạt động bình thường, không có biến động hoặc sự kiện đặc biệt
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu FTS lao dốc mạnh kể từ cuối tháng 8/2022, giá cổ phiếu FTS giảm từ 40.000 đồng/cổ phiếu hiện chỉ còn 15.450 đồng/cổ phiếu đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch sáng ngày 11/11, tương ứng giảm gần 60% thị giá.
Công ty CP Thép Nam Kim (HoSE: NKG) cũng là cổ phiếu đã "bốc hơi" khoảng 80% thị giá khi giảm từ vùng 45.000 đồng/cổ phiếu xuống dưới mệnh giá, hiện còn 9.040 đồng/cổ phiếu.
Công ty lên tiếng phân trần hoạt động doanh nghiệp đang diễn ra hoàn toàn ổn định, thị giá cổ phiếu đi xuống do chịu tác động của kinh tế vĩ mô.
Ngoài ra, doanh nghiệp cho rằng việc mua bán cổ phiếu phụ thuộc vào thị hiếu và tâm lý của nhà đầu tư, đây là điều nằm ngoài tầm kiểm soát của NKG.
Với 6 phiên nàm sàn liên tiếp, Tổng công ty CP đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp, HoSE: DIG) đã có văn bản giải trình khá dài. Mã DIG, một thời từng là cổ phiếu có giá trị vượt 100.000 đồng/cổ phiếu nhưng đến cuối phiên 11/11 thị giá chỉ còn 11.650 đồng/cổ phiếu, giảm tới 88% so với mức đỉnh.
Doanh nghiệp chia sẻ, việc cổ phiếu giảm trong những phiên gần đây đều do tác động tiêu cực của yếu tố vĩ mô và niềm tin nhà đầu tư suy giảm.
Công ty cũng nhấn mạnh tình hình sản xuất kinh doanh của công ty vẫn đang diễn ra bình thường, HĐQT và ban điều hành công ty vẫn đang nỗ lực để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022 được thông qua trước đó.
Tuy vậy, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn trước căng thẳng địa chính trị vẫn chưa kết thúc, các chính sách thắt chặt tiền tệ thắt chặt và nguy cơ suy thoái toàn cầu.
Cùng với trong nước, thị trường vốn suy giảm, Ngân hàng Nhà nước siết room tín dụng, lãi suất và tỷ giá tiếp tục tăng cao dẫn đến tâm lý lo ngại về cổ phiếu và nhóm ngành hoạt động của DIC Corp.
Để hạn chế sự suy giảm cổ phiếu bất thường, DIC Corp cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực trong hoạt động để gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất để gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, có nhiều biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Đồng thời, công ty cũng gửi lời “cầu cứu” tới Chính phủ, các cơ quan ban ngành khẩn trương có chính sách, giải pháp hỗ trợ thị trường vốn, thị trường chứng khoán nhằm để hỗ trợ doanh nghiệp và lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.
Trước sự trồi sụt của giá cổ phiếu, loạt lãnh đạo của DIC Corp đã bị bán giải chấp hàng chục triệu cổ phiếu trong những ngày đầu tháng 11. Cổ đông lớn của doanh nghiệp là CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân cũng không ngoại lệ, khi bị bán giải chấp hơn 10 triệu cổ phiếu.
Chung số phận với DIC Corp, YEG của Công ty CP tập đoàn Yeah1 (HoSE: YEG) cũng vừa trải qua 6 phiên chìm trong sắc xanh dương ảm đạm. “Bay màu” gần 98% thị giá, YEG giảm từ vùng 342.000 đồng/cổ phiếu xuống mức hiện tại, dưới mệnh giá, 7.540 đồng/cổ phiếu.
CTCP Tập đoàn Yeah1 cho biết, các yếu tố kinh tế vĩ mô kém thuận lợi đang tạo nên xu hướng giảm chung của thị trường chứng khoán hiện nay, cổ phiếu của công ty cũng không nằm ngoài xu hướng này, vì vậy việc cổ phiếu giảm giá liên tục là điều không thể tránh khỏi.
Chưa kể, việc thị giá cổ phiếu suy giảm một phần đến từ quyết định của nhà đầu tư, khiến lượng cung cầu cổ phiếu trên thị trường thay đổi.
Tương tự, Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) giải trình về việc giá cổ phiếu PDR giảm sàn 5 phiên liên tục là do cung cầu của thị trường và thị hiếu của nhà đầu tư nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty. Giá mua bán cổ phiếu chịu ảnh hưởng bởi tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường, cũng như các tác động của chính sách điều hành vĩ mô liên quan đến ngành hàng doanh nghiệp đang kinh doanh.
Hiện tại Phát Đạt vẫn hoạt động bình thường, hiệu quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 vẫn đang tăng trưởng tốt, hoàn toàn không có biến động gì xấu làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.