Các lãnh đạo ASEAN và Mỹ thống nhất ra tuyên bố chung thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên - Ảnh: DƯƠNG GIANG
Các lãnh đạo ASEAN đã liên tục khẳng định họ không muốn chọn phe giữa Trung Quốc và Mỹ. Họ tiếp tục nhấn mạnh mong muốn có một quan hệ mang tính xây dựng, đôi bên cùng có lợi và ổn định với từng đối tác. Tuy nhiên, sự cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến mong muốn này trở nên khó khăn hơn.
ASEAN cần cả Trung Quốc và Mỹ
Mỹ cần nhận ra sự gần gũi về mặt địa lý của ASEAN với Trung Quốc và mối quan hệ kinh tế quan trọng giữa hai bên, điều này có nghĩa nếu không có quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc, sự phát triển của ASEAN sẽ chậm, yếu và kém toàn diện hơn.
Nhưng cùng với đó, ASEAN cũng coi trọng và nhận thức được tầm quan trọng của mối quan hệ với Washington. Mỹ là một nhà đầu tư lớn trong khu vực và nước này có dấu ấn ngoại giao quan trọng tại đây. Washington can dự toàn diện về các mặt kinh tế, ngoại giao và an ninh, góp phần tạo nên sự ổn định cho khu vực.
Mỹ có thể nâng cao vị thế của mình với các nhà lãnh đạo ASEAN bằng cách công nhận các vấn đề ưu tiên của khối như phát triển, cơ sở hạ tầng và kết nối, hòa bình và ổn định, cũng như mong muốn không chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mỹ cũng có thể tăng cường quan hệ đối tác với ASEAN thông qua hợp tác với Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và các nước khác, để cung cấp hàng hóa công cho khu vực, đồng thời công nhận vai trò trung tâm của ASEAN là quan trọng đối với sự hội nhập và phát triển bền vững trong tương lai của khu vực.
Các giải pháp cho việc cung cấp hàng hóa công có thể bao gồm Đối thoại an ninh tứ giác kim cương (QUAD), các kế hoạch phục hồi chuỗi cung ứng, các sáng kiến phát triển toàn diện và quan trọng là một hiệp định thương mại giúp Mỹ tăng cường quan hệ với khu vực thông qua những ưu tiên thương mại chung.
Việc chú trọng và mở rộng cơ sở hạ tầng y tế - như khi Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris khai trương văn phòng Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ở Đông Nam Á tại Việt Nam vào tháng 8-2021 - là một ví dụ minh họa về những gì nước Mỹ có thể làm để đóng góp cho khu vực.
Đồng thời, nếu văn phòng CDC Mỹ ở Đông Nam Á cũng mở cửa chào đón các quan chức y tế Trung Quốc, điều này có thể làm giảm bớt lo ngại của các nước thành viên ASEAN về việc chọn phe.
Ngoài ra, bất cứ khoản đầu tư nào vào các vấn đề an ninh phi truyền thống ở Đông Nam Á (như chống cướp biển, đánh bắt cá trái phép, biến đổi khí hậu, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, tìm kiếm và cứu nạn) sẽ là những sáng kiến tích cực nhằm củng cố quan hệ giữa hai bên.
Tóm lại, một quan hệ sinh động giữa ASEAN - Mỹ sẽ cần sự hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn và sự chủ động hợp tác có đi có lại nhiều hơn trong việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ đó.
TS Stephen Nagy
Cần sáng kiến cụ thể, khả thi
ASEAN có vai trò quan trọng trong việc gắn kết khu vực nhưng khối này cần thực hiện vai trò chủ động hơn nữa trong việc góp phần xây dựng một trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một khởi đầu tốt nhưng vẫn cần tập trung hơn vào việc nêu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng các thể chế (tập trung vào quản trị hiệu quả) và các nguyên tắc minh bạch đồng thuận chung (đảm bảo rằng đối thoại và các luật lệ là cơ sở để giải quyết các vấn đề ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương).
Để khẳng định vai trò của ASEAN và củng cố mối quan hệ ASEAN - Mỹ, nếu chỉ tập trung vào Phương thức ASEAN (ASEAN Way) hay vai trò trung tâm của ASEAN thôi là chưa đủ. ASEAN cần đưa ra các sáng kiến cụ thể và khả thi - những sáng kiến bền vững và có ý nghĩa với Mỹ cùng các đối tác khác.
Việc thúc đẩy quản trị hiệu quả trong khu vực mở ra nhiều cơ hội trao đổi nghiên cứu và giáo dục hơn trong toàn khối, thúc đẩy các điều kiện để hội nhập nội khối ASEAN sâu rộng hơn nhằm nâng cao quyền tự chủ chiến lược sẽ đóng vai trò quan trọng đối với việc xây dựng mối quan hệ sâu và rộng hơn với Mỹ và các bên liên quan khác, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Canada và Úc.
ASEAN và Mỹ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 10 diễn ra ngày 12-11 ở Phnom Penh, các bên đã thông qua tuyên bố chung thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định coi trọng quan hệ với ASEAN, cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mong muốn triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Mỹ vừa thiết lập, mở ra kỷ nguyên mới.
Theo đó, Mỹ sẽ chung tay cùng ASEAN ứng phó hiệu quả các thách thức chung của khu vực và toàn cầu, công bố hỗ trợ thêm 850 triệu USD để thúc đẩy hợp tác. ASEAN và Mỹ ưu tiên thúc đẩy phục hồi toàn diện sau đại dịch, hướng tới phát triển xanh và bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhất trí thông qua Tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Mỹ, trong đó cần tập trung trao đổi thương mại, đầu tư, phục hồi bền vững.
Thủ tướng đề nghị Mỹ tăng cường hỗ trợ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, nâng cao năng lực tự cường y tế, ứng phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh, gồm chuyển đổi năng lượng công bằng. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ ASEAN phát triển bền vững tiểu vùng Mekong, hỗ trợ nâng cao năng lực chống chịu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương tại Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Cũng trong ngày 12-11 đã diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN+3 lần thứ 2. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng ASEAN+3 cần đi đầu, kiên định với chủ nghĩa đa phương, tự do hóa thương mại, mở cửa cho tất cả mọi cơ hội, kết nối và cân bằng về mọi lĩnh vực. Đối với Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực, Thủ tướng nhấn mạnh cần làm sâu sắc, hiệu quả hơn hiệp định này và nhất trí thành lập Ban thư ký RCEP.
Trong khi đó, tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 19, Phó tổng thống Ấn Độ Jagdeep Dhankhar cũng nhấn mạnh ASEAN là trụ cột quan trọng trong chính sách Hành động hướng đông và là trọng tâm trong Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hai bên nhất trí tính liên tục của dòng chảy thương mại và đầu tư, củng cố kết nối và tự cường chuỗi cung ứng, thực hiện hiệu quả Khu vực thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ.
Tại hội nghị này, Thủ tướng đề nghị Ấn Độ mở cửa hơn nữa cho thị trường hàng nông sản của Việt Nam và các nước ASEAN; mở rộng hợp tác ứng dụng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; hỗ trợ lẫn nhau nâng cao năng lực tự cường về y tế, công nghiệp dược… NGỌC AN (từ Phnom Penh, Campuchia)
TTO - Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 10 diễn ra ở Phnom Penh (Campuchia) chiều 12-11, các nhà lãnh đạo ASEAN và Mỹ đã thông qua Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Xem thêm: mth.18585547031112202-naesa-iov-poh-uhp-nac-peit-hcac-nac-ym/nv.ertiout