Bạn Nguyễn Thị Thúy (giữa) chia sẻ học bổng cho hai bạn học có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: NAM TRẦN
Dù 9h sáng mới diễn ra song nhiều bạn sinh viên cùng phụ huynh đã có mặt từ sớm. Đi cùng con, bà Đặng Thị Biên (52 tuổi) - mẹ Đặng Thị Quỳnh - kể cả đêm qua hai mẹ con không ngủ được khi con là một trong 71 tân sinh viên nhận học bổng lần này.
Vơi nỗi lo
Hai mẹ con Quỳnh ở xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) thuộc diện hộ nghèo "thâm niên". Quỳnh ra đời đã không biết mặt cha. Mẹ con sống nhờ hai sào ruộng khoán nhưng chỉ làm được mỗi năm một vụ. Chục năm trước, bà Biên vay ngân hàng xây căn nhà nhỏ nhưng nhà còn đang dang dở, bà đổ bệnh, mất sức lao động.
Nghe con gái báo đỗ đại học, bà lo nhiều hơn mừng. Quỳnh ham học, bà nghĩ đời mình đã cơ cực rồi không lẽ tương lai con cũng mờ mịt sao được nên lại vay mượn, bán mấy tạ thóc gom góp cho con vào TP.HCM nhập học.
Bà động viên con nhập học ổn định ráng kiếm gì làm thêm để trang trải phí sinh hoạt chứ giờ bà không làm việc nặng được nữa. "Học bổng giúp mẹ con tôi vơi nỗi lo học phí sắp tới chứ có làm lụng mấy năm trời cũng không góp đủ chừng đó", bà Biên nói.
Câu chuyện nghị lực vượt lên nghịch cảnh của Lê Thị Tâm (Trường ĐH Hà Nội), quê xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) khiến nhiều người dự lễ rớt nước mắt. Cha đột ngột mất khi Tâm mới tròn 1 tuổi. 12 năm đến trường là trập trùng gian khó khi mẹ Tâm - bà Lê Thị Thảo - sau một tai nạn lao động đã phải gắn chặt đôi chân cùng chiếc nạng suốt đời.
"Chính mẹ là nguồn động lực giúp tôi đến trường. Tôi có quyết tâm và chắc chắn sẽ vượt qua, nỗ lực ra trường kiếm việc làm đền đáp ơn sinh thành của mẹ", Tâm bộc bạch.
Chờ một tương lai tươi sáng
Ông Ngô Văn Đông - tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền - cảm ơn Tuổi Trẻ đã làm "cầu nối" để những nhà hảo tâm đồng hành cùng tân sinh viên.
"Mỗi mùa Tiếp sức đến trường đi qua, chúng tôi được biết thêm những tấm gương tân sinh viên nghèo vượt khó. Có bạn mồ côi cha mẹ, người thân đau yếu, mắc bệnh hiểm nghèo nhưng chúng tôi thấy ở các bạn nghị lực vượt khó đến trường, khát khao thay đổi đời mình. Hy vọng học bổng này giúp các bạn vững bước hơn trong tương lai, quay lại giúp đàn em khó khăn đi sau", ông Đông nói.
Ông Nguyễn Phan - tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ - cho biết chính những bài báo về các tấm gương học trò nghèo đăng tải mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhắn nhủ: "Tuổi Trẻ hãy cùng đồng hành với các em, đừng để một em nào vì hoàn cảnh khó khăn mà phải nghỉ học". Và Tuổi Trẻ đã duy trì, phát triển chương trình này với phương châm "không để một tân sinh viên nào vì khó khăn mà phải ngưng việc học".
Bí thư Tỉnh Đoàn Thanh Hóa Lê Văn Châu nói Tiếp sức đến trường không chỉ trao những phần quà cho sinh viên khó khăn mà thể hiện nét đẹp truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, truyền động lực để các bạn vững tin bước tới.
Ngoài hơn 1 tỉ đồng học bổng do Quỹ "Đồng hành cùng nhà nông" (Công ty cổ phần phân bón Bình Điền) tài trợ, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tặng quà cho tân sinh viên, Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) trao ba laptop và Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPTShop) cũng tặng ba laptop cho các bạn đặc biệt khó khăn.
"Chia" học bổng cho bạn
Nhận suất học bổng 15 triệu đồng, Nguyễn Thị Thúy (nhân vật trong bài Nữ sinh 29,25 điểm đang là cô công nhân 18 tuổi, lương 4,2 triệu đồng) quyết định chia thành ba phần. Hai phần kia Thúy tặng hai bạn Bùi Thị Hương và Lò Ngọc Ánh cùng học Trường ĐH Hồng Đức (tỉnh Thanh Hóa). Cả hai bạn này đều có hoàn cảnh rất khó khăn.
Thúy chia sẻ: "Sau khi câu chuyện của mình xuất hiện trên Tuổi Trẻ, nhiều nhà hảo tâm đã quan tâm giúp tôi đến giảng đường. Tôi muốn chia sẻ niềm vui này, phần nào giúp các bạn khó khăn như mình có động lực học tập".
TTO - Mỗi tân sinh viên khu vực Bắc Trung Bộ nhận học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ đều là một câu chuyện nghị lực mạnh mẽ vượt khó vào giảng đường để thay đổi cuộc đời.
Xem thêm: mth.99093432221112202-nab-ohc-gnob-coh-aihc-nav-nahk-ohk-pag-naht-nab/nv.ertiout