Bà Nhàn đang bỏ trốn nhưng vẫn bị C03 đề nghị truy tố hai tội danh - Ảnh: AIC Group
Bản kết luận điều tra, vừa được Cơ quan điều tra Bộ Công an (C03) ban hành, cho thấy việc đưa hối lộ của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu chủ tịch Công ty AIC - kéo dài trong suốt hơn mười năm.
Chỉ riêng một dự án bệnh viện, bà Nhàn hưởng lợi gần 150 tỉ đồng và chi hơn 43 tỉ đồng hối lộ bí thư, chủ tịch, giám đốc sở y tế thời điểm thực hiện dự án.
Bản kết luận điều tra cũng cho thấy dàn lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thời điểm xây dựng bệnh viện, từ bí thư đến giám đốc sở đều bị bà Nhàn "thao túng" bằng tiền.
Đổi lại, công ty của bà Nhàn dù không đủ năng lực, gian lận hồ sơ vẫn dễ dàng trúng đến 16 gói thầu.
C03 đã đề nghị truy tố 36 bị can, trong đó có ông Trần Đình Thành - cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, và Đinh Quốc Thái - cựu chủ tịch tỉnh.
Mặc dù bà Nhàn cùng bảy người khác trong vụ án đang bỏ trốn nhưng vẫn bị C03 đề nghị truy tố. Đồng thời, C03 cho rằng cần tiếp tục phong tỏa khối tài sản khủng của bà Nhàn.
Thời điểm khởi tố vụ án, cơ quan điều tra đã phong tỏa hơn 107 tỉ đồng là số dư trong bốn tài khoản ngân hàng.
C03 đã ra lệnh kê biên đối với tài sản là một nhà biệt thự diện tích 357m2 tại phố Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngôi biệt thự này bà Nhàn nhờ bố đẻ đứng tên.
Cơ quan điều tra cũng kê biên với tài sản là một nhà biệt thự diện tích 453m2 tại phố Nguyễn Huy Tự, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ngôi biệt thự này đứng tên Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Cơ quan điều tra thực hiện khám xét trụ sở Công ty AIC thời điểm công bố lệnh bắt bà Nhàn - Ảnh: H.T.
Ngày 17-8-2022, C03 ra lệnh kê biên cùng lúc sáu căn hộ tại khu chung cư cao cấp Pacific Place trên phố Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trong đó có bốn căn hộ liền nhau ở tầng 11 và hai căn hộ liền nhau ở tầng 17 của chung cư. Căn hộ diện tích nhỏ nhất là 67,8m2, căn hộ diện tích lớn nhất là 218,6m2. Cả sáu căn hộ này đều đứng tên Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Tiếp đó, mới đây ngày 21-9, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra lệnh kê biên đối với tài sản là một thửa đất diện tích hơn 4.000m2 thuộc dự án đấu giá quyền sử dụng đất phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp cho Công ty AIC.
Theo cơ quan điều tra, hiện tại bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn và đồng phạm đang bị khởi tố trong vụ án khác.
Do đó, để đảm bảo thi hành án, thu hồi tài sản nhà nước, C03 đưa ra quan điểm cần tiếp tục phong tỏa, kê biên tài sản trên theo quy định pháp luật.
Nộp lại hàng chục tỉ đồng
Cũng theo kết luận điều tra, gia đình cựu bí thư Trần Đình Thành đã nộp 14,5 tỉ đồng vào tài khoản tạm giữ của C03 để khắc phục hậu quả. Gia đình cựu chủ tịch Đinh Quốc Thái cũng nộp 14,5 tỉ đồng vào tài khoản tạm giữ của C03 để khắc phục hậu quả. Đây là số tiền hai cựu lãnh đạo đã nhận hối lộ từ bà Nhàn.
Gia đình bị can Phan Huy Anh Vũ - cựu giám đốc Sở Y tế Đồng Nai - đã nộp 10 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Ông Vũ bị cáo buộc nhận hối lộ 14,8 tỉ đồng từ bà Nhàn.
Gia đình bị can Bồ Ngọc Thu - cựu giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư - cũng nộp 1 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Đây là số tiền bà Thu nhận được từ Công ty AIC dưới hình thức "quà biếu".
Một số công ty liên quan trong vụ án cũng nộp lại số tiền lớn để khắc phục hậu quả: Công ty TNT đã nộp lại hơn 3,5 tỉ; Công ty Tạ Thiên Ân đã nộp lại số tiền hơn 643 triệu; Công ty Tâm Hợp nộp lại 500 triệu và Công ty Việt Tiên đã nộp lại hơn 120 triệu đồng.
TTO - Việc đưa hối lộ của cựu chủ tịch Công ty AIC kéo dài trong suốt 10 năm. Có lần cựu bí thư tỉnh Đồng Nai nhận 5 tỉ đồng cho vào va li đem từ Hà Nội về nhà. Còn cựu chủ tịch tỉnh này thì khai nhận tiền hối lộ để nuôi hai con du học Mỹ.
Xem thêm: mth.16751830131112202-cia-nahn-hnaht-ab-auc-tad-ahn-uht-teib-ueihn-gnuhk-nas-iat-iohk/nv.ertiout