Ngày 13.11, thông tin từ UBND P.Mai Lâm (TX.Nghi Sơn, Thanh Hóa) xác nhận em T.M.N (15 tuổi, ngụ P.Mai Lâm) đã tử vong vào đêm 11.11 tại Bệnh viện Nhi T.Ư, sau thời gian dài điều trị bệnh Whitmore.
Bệnh nhân N. tử vong trong tình trạng suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, hoại tử ruột. Dù các y, bác sĩ của các bệnh viện đã tích cực chữa trị, nhưng bệnh nhân không qua khỏi.
Bệnh nhân N. phát bệnh vào đầu tháng 10 với các triệu chứng sốt cao liên tục, ho, chảy mũi, nổi ban sẩn từng mảng, kèm theo đau tức ngực bên phải, đau bụng, và được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa Hợp Lực (Thanh Hóa) chữa trị.
Tuy nhiên, do diễn biến nặng, bệnh nhân thêm triệu chứng khó thở, huyết áp giảm nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tiếp tục điều trị. Tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, bệnh nhân N. được cấp cứu đặt nội khí quản, thở máy, dùng thuốc vận mạch và kháng sinh, nhưng sau 2 ngày không có chuyển biến nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi T.Ư vào ngày 3.11, trong tình trạng phổi tổn thương, suy hô hấp, nổi ban sẩn xuất huyết ở 2 bàn tay. Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, mắc Whitmore. Bệnh nhân đã tử vong vào ngày 11.11.
Tiền sử bệnh nhân N. đã mắc Covid-19 (5 tháng trước khi phát bệnh). Bệnh nhân sống cùng gia đình có 5 người, và đến ngày 13.11, người thân trong gia đình bệnh nhân này vẫn bình thường.
Trường hợp bệnh nhân mắc Whitmore thứ 2 ở tỉnh Thanh Hóa là cháu L.N.Q (10 tuổi, ngụ xã Yên Mỹ, H.Nông Cống, Thanh Hóa).
Cháu Q. xuất hiện các triệu chứng sốt, sưng đỏ vùng mang tai từ tháng 9, và được chẩn đoán viêm tuyến nước bọt mang tai phải, được điều trị tại Bệnh viện đa khoa H.Nông Cống 20 ngày nhưng không khỏi.
Tiếp đó, cháu Q. được chuyển đến Bệnh viện Nhi điều trị 20 ngày nội trú, và 7 ngày ngoại trú tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Tuy nhiên, sau thời gian điều trị dài, vùng má phải tổn thương vẫn còn viêm và rỉ dịch mủ, đồng thời xuất hiện thêm cục to sau tai nên ngày 1.11 cháu được chuyển đến Bệnh viện Nhi T.Ư điều trị và phát hiện mắc Whitmore. Hiện bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư.
Tăng cường phòng, chống bệnh Whitmore
Sau khi nhận được công văn của Bệnh viện Nhi Trung ương về việc thông báo ca bệnh Whitmore, Sở Y tế Thanh Hóa đã ban hành công văn gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh; Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn về tăng cường phòng, chống bệnh Whitmore.
Sau khi phát hiện 2 ca mắc Whitmore, Sở Y tế Thanh Hóa đã yêu cầu Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa tăng tuyên truyền, hướng dẫn người dân, cộng đồng phòng bệnh Whitmore.
Các biện pháp khuyến cáo người dân cần thực hiện là che chắn tốt đường hô hấp trong môi trường khói bụi, tăng cường công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh lao động; hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là nơi bị ô nhiễm nặng. Sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động (giày, dép, găng tay...) đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.
Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có nguy cơ bị ô nhiễm. Những người có bệnh mạnn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch... cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi có nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn Whitmore để được điều trị kịp thời.
Bệnh Whitmore (tên gọi khác là bệnh Melioidosis) là một bệnh nhiễm khuẩn ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia Pseudomalle gây ra. Bệnh lây sang người khi hít phải bụi bẩn hoặc nước mưa có chứa vi khuẩn hoặc qua vết trầy xước trên da khi tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm, chứa hóa chất, chất thải, nhiều nhất tại vùng ao hồ, đầm lầy, đồng ruộng.