Sùng Thị Phương không giấu được giọt nước mắt nhắc đến hai biến cố lớn nhất của cuộc đời - Ảnh: HÀ THANH
Nhận được thông tin kết nối từ giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, học bổng "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ đã tìm gặp tân sinh viên Sùng Thị Phương (18 tuổi, dân tộc Mông ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) vừa xuất sắc trúng tuyển vào trường.
Dáng người nhỏ nhắn, ánh mắt đượm buồn, Phương trải lòng về cuộc đời tựa những thước phim của cô bé mồ côi cha sống nương nhờ vào tình thương của các mẹ ở Làng trẻ em SOS.
Tôi sống khá nội tâm, thích văn học, từ bé thiếu vắng tình thương của bố, bản thân tôi luôn khao khát về một mái nhà đủ đầy, ở đó có tình thương của bố… Tôi mong văn chương có thể giúp tôi thỏa mãn điều đó, mong có thể trở thành một người viết lách, mang tới cho người đọc cảm giác mà chỉ có ngôn ngữ mới chạm đến được
Tân sinh viên SÙNG THỊ PHƯƠNG
Lựa chọn nơi đứng lên!
Bố mất từ năm Phương lên 4, đến năm 6 tuổi vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, bà Giàng Thị Dè (mẹ Phương) dứt ruột gửi con gái út vào sống tại Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên). Ngày còn bé, Phương chỉ lờ mờ cảm nhận được rằng rồi đây mình sẽ phải sống xa gia đình.
"Buồn chứ, nhưng đành phải chấp nhận. Một mình mẹ không đủ sức để nuôi tất cả các con, tôi thương mẹ lắm" - Phương bật khóc.
Tân sinh viên Sùng Thị Phương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - Ảnh: HÀ THANH
Đôi lúc Phương từng oán trách số phận sao để cô sống đơn côi không có bố cạnh bên. Bố mất, một mình mẹ nuôi tận 6 người con, các anh chị đều bỏ dở việc học, thậm chí các chị gái phải bỏ học sớm đi lấy chồng.
Nhìn thấy các bạn đồng trang lứa có bố mẹ đủ đầy, có gia đình hạnh phúc, Phương thoáng chút chạnh lòng. Nhưng lớn lên cô hiểu ra rằng khi một cánh cửa đóng lại thì một cánh cửa khác sẽ mở ra. Ở làng trẻ, người mẹ nuôi luôn yêu thương và quan tâm, chở che cho những đứa trẻ có số phận kém may mắn như Phương.
Cô bày tỏ, có lẽ nhờ hoàn cảnh khó khăn giúp bản thân biết sống tự lập, rèn sức bền bỉ, kiên cường hơn so với bạn bè đồng trang lứa.
Suốt 12 năm liền, cô gái dân tộc Mông luôn chăm ngoan, đạt học lực giỏi. Trong suốt ba năm cấp 3, Phương đoạt giải khuyến khích môn ngữ văn cấp tỉnh và mới đây trúng tuyển vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
"Nếu không vào làng trẻ, có lẽ giờ này tôi vẫn sống ở quê, sẽ đi lấy chồng sớm như các chị gái. Tôi nhận ra rằng không ai có thể lựa chọn hoàn cảnh mình sinh ra, nên hãy lựa chọn nơi mình đứng lên. Quyết định mình đứng lên ở đâu thì phải cố gắng, nỗ lực hết sức để thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn, sau đó quay trở về báo hiếu mọi người" - Phương trải lòng.
"Một ngày nào đó tôi sẽ quay về"
Ở làng trẻ, trái tim của cô gái nhỏ không nguôi nhớ về gia đình, nhớ ngôi nhà nghèo xác nghèo xơ nhưng có mẹ, có các anh chị em ruột thịt. Nỗi niềm đau đáu theo Phương suốt 12 năm qua.
Cô bộc bạch, cũng bởi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, xe cộ đi lại vất vả nên cô lựa chọn đón Tết ở làng trẻ cùng mẹ nuôi và các em. Cô chỉ ao ước một ngày nào đó sẽ được quay về nơi bản làng đón Tết cùng mẹ và các anh chị em.
Phương (đứng thứ hai từ trái qua, ở hàng sau) chụp ảnh cùng những đứa trẻ ở Làng trẻ SOS - Ảnh: NVCC
Vậy mà những thước phim buồn chưa dừng lại ở đó. Đi làm gom góp được chút tiền, anh trai cả của Phương trở về quê giúp mẹ sửa sang lại nhà cửa. Thế nhưng vào tháng 1-2022, chẳng còn mấy ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, người anh gặp tai nạn về điện và đột ngột qua đời.
"Đó là cái Tết buồn nhất của cuộc đời tôi. Khoảng thời gian ấy tôi thực sự khủng hoảng vì anh là trụ cột của gia đình, là người luôn tiếp sức, thúc giục tôi học hành. Đến giờ tôi vẫn chưa thể chấp nhận được sự thật" - cô trải lòng.
18 tuổi nhận giấy báo trúng tuyển đại học, Phương một mình lặn lội xuống thủ đô Hà Nội nhập học.
May mắn được các mẹ ở Làng trẻ SOS gửi gắm cho một người chị khóa trước, Phương đã hoàn thành xong các thủ tục nhập học và được nhà trường tạo điều kiện cho ở ký túc xá. Làng trẻ SOS cũng tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Phương trong những năm học đại học.
Nhờ thầy cô và bạn bè giới thiệu, Phương "gõ cửa" quỹ học bổng Tiếp sức đến trường với mong muốn được tiếp sức cho chặng đường học sắp tới, giúp cô có thêm kinh phí mua sắm trang thiết bị học tập.
"Rời xa làng trẻ nhưng nơi đây vẫn là ngôi nhà thứ hai của tôi. Tôi hứa sau này sẽ cố gắng trở thành người có khả năng, có điều kiện tốt hơn để quay về giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như tôi" - tân sinh viên Sùng Thị Phương quả quyết.
Là người đã chăm sóc, nuôi dưỡng cho Phương suốt 12 năm qua ở Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ, chị Vì Thị Bình không giấu được vui sướng nhận tin con gái đỗ đại học.
"Từ nhỏ tôi đã nuôi dưỡng và coi Phương như con gái ruột. Phương rất ngoan, rất hiếu thảo, biết giúp đỡ mẹ và chăm sóc các em ở làng trẻ. Tôi mong ước con sau này sẽ thành đạt, có công ăn việc làm ổn định và nuôi sống bản thân. Sau này có thời gian rỗi hãy về thăm mẹ và các em" - chị Bình xúc động chia sẻ.
TTO - Lê Hoàng Phong trưởng thành từ Làng trẻ em SOS. Lần đầu đến châu Âu, anh gặp gỡ tổng thống Áo, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon và ngồi chung lớp học về môi trường với những sinh viên đến từ Harvard, Cambridge, Oxford…
Xem thêm: mth.61052413231112202-sos-ert-gnal-ut-nel-nol-gnom-iag-oc-auc-gnom-cou/nv.ertiout