Khiếm khuyết không làm Thương mặc cảm, tự ti mà thành động lực vươn lên, tìm cơ hội cho mình - Ảnh: DIỆU QUÍ
Rời Sơn La xa xôi, cô gái ấy một mình vào Sài Gòn để bắt đầu nhịp sống đời tân sinh viên ngành công nghệ thông tin Học viện Hàng không Việt Nam. Thương đã nhập học khoảng 2 tháng, ở trọ cùng hai cô bạn tại phường 12, quận Tân Bình (TP.HCM).
Chào đời khuyết một cẳng tay
Thương sinh ra tại một vùng quê nghèo ở xã Việt Hưng, huyện Văn Lâm (Hưng Yên). Bà Nguyễn Thị Huê (42 tuổi, mẹ Thương) mang thai đến tháng thứ tám mới đi siêu âm do nhà xa trung tâm nên chỉ có ra thành phố mới làm được. Nghe bác sĩ nói là con gái, cả nhà rất vui vì thế là đủ nếp đủ tẻ (trên Thương còn một anh trai sinh năm 2000).
"Nhưng chuyện thai nhi bị khuyết tật bẩm sinh lại không nghe bác sĩ nói. Có thể siêu âm không thấy hoặc bác sĩ biết mà không nói. Bố mẹ mang niềm vui tôi là con gái theo về nhà", Thương kể.
Ngày Thương chào đời, bà mụ đỡ đẻ ở xã nhìn thấy bé Thương trắng trẻo nhưng lại hoảng hốt và hét lên "Ôi trời ơi!". Sợ người phụ nữ mới sinh không chịu nổi cú sốc, bà mụ nhanh chóng trấn tĩnh rồi bảo với mẹ Thương: "Không có chuyện gì đâu, con bé bị nghẹt dây rốn thôi".
Bố và ông bà của Thương đều đã biết chuyện, nhưng tất cả đều giấu người mẹ. Một tuần đầu, những người thân thay nhau bồng bế cô bé.
Thương chỉ được trao cho mẹ lúc bú và quấn khăn che kín toàn thân. Có một hôm lúc cụ đang thay tã, Thương bỗng khóc ré lên. Người mẹ nghe tiếng khóc chạy đến, nói để mẹ làm nhưng cụ không chịu, cứ giành lấy con bé.
Bằng linh cảm của một người mẹ chắc phải có chuyện gì đó, mẹ giành được Thương và mở chiếc khăn ra. Khi thấy đứa con gái bé bỏng chỉ có một cánh tay trái, tay còn lại chỉ đến cùi chỏ và có một mẫu thịt nhô ra giống ngón tay, người mẹ đã hét lên.
Sợ vợ mất kiểm soát, bố Thương chạy sang nhờ bà giúp. "Trời cho như thế thì chịu thôi con, cố gắng nuôi con bé trưởng thành", bà ngoại nói với mẹ Thương.
Tự lập và học bơi
Thương học cách thích nghi với số phận. Ngoài nhờ mẹ hỗ trợ tắm rửa, mặc quần áo..., còn lại bạn tập làm những gì có thể với một tay.
Nhặt rau, Thương kẹp cọng rau vào đầu gối để giữ rồi nhặt với cánh tay nguyên của mình. Cô cũng tập viết bằng tay trái, đó cũng là việc khó nhất bởi bạn không có một tay để giữ vở khiến tốc độ viết chậm hơn bạn bè.
Tuy vậy, Thương nói mình may mắn vì được đến trường như bao đứa trẻ bình thường khác. Rồi gia đình Thương chuyển lên TP Sơn La (Sơn La), cách quê nhà 300km, sống để bố tiện chữa bệnh.
Một chuyện làm Thương ấn tượng đến bây giờ là khi chuyển lên Sơn La học, mấy bạn nói với nhau đừng trêu hay bắt nạt mà hãy yêu thương, bảo vệ, giúp đỡ Thương theo lý luận rất con nít "đứa nào bắt nạt bạn sẽ sinh con ra bị giống bạn".
Thương kể hồi cấp II rất thích bơi nên anh trai có dạy cho. Anh bảo cứ lao ra rồi đập đập tay chân xuống nước là sẽ biết bơi. "Tôi sợ chứ vì phi hẳn ra mà không có điểm tựa, không đủ hai tay nên lỡ có chuyện gì sẽ không bám vào được như mọi người. Nhưng anh động viên mãi, tôi vượt qua e dè, cứ thế bơi ra rồi cuối cùng cũng biết bơi", Thương cười.
Giờ chỉ trừ việc nặng như khuân vác hay chạy xe, còn lại hầu như việc gì cô gái ấy cũng thành thạo. Cánh tay bị khuyết hiện có thể đỡ được một vài thứ nhẹ song cũng dễ rơi. Thi thoảng, Thương dùng mỏm cụt ấy gõ bàn phím.
Gia đình là điểm tựa
Thương chưa một ngày đi học thêm, cũng bởi 50.000 đồng/buổi học với gia đình bạn cũng khó, và cũng không có phương tiện di chuyển tới chỗ học thêm. Tổ hợp ba môn khối D07 (toán - hóa - tiếng Anh) của Thương trong kỳ thi vừa qua đạt 24,9 điểm, còn tính cả điểm cộng là 26,65 điểm.
"Tôi thích công nghệ thông tin, thấy nó rất cần thiết trong thời buổi hiện nay. Từ bé đến giờ những gì liên quan đến máy tính, công nghệ tôi không hiểu rõ vì cũng ít có điều kiện tìm hiểu nên chọn học để hiểu biết thêm công nghệ hiện đại và có thể kiếm được thu nhập", Thương nói.
Song niềm vui nhanh chóng nhường chỗ cho nỗi lo canh cánh khi học phí lên đến 45 triệu đồng/năm (ba học kỳ). Bố Thương đã mất hơn một năm trước, thu nhập của mẹ dựa vào quầy thuốc nhỏ bố để lại cũng chẳng dư dả gì.
"Gọi điện về, mẹ bảo thôi hay đi làm đừng học nữa vì tốn nhiều tiền quá. Người thân cũng không đồng ý vì vào tận Sài Gòn học xa quá, sợ tôi không thích ứng được. Nhưng tôi muốn đi học, nói mẹ đầu tư rồi con sẽ tìm cách kiếm tiền phụ mẹ đóng học phí", Thương chia sẻ.
Từ Tây Bắc xa xôi, Thương nói mình đã dần quen với cuộc sống mới khi vào đây. Hiện anh trai Thương cũng đang làm việc tại một cửa hàng điện thoại ở TP.HCM. Thương nói sẽ tập trung học cho quen môi trường mới rồi đi làm gia sư kiếm thêm thu nhập.
"Gia đình và sự yêu thương của mọi người chính là điểm tựa để tôi sống tự lập xa nhà, cố gắng học và tìm thêm cơ hội cho chính mình", Thương nói và cho hay nơi cô đang học muốn hỗ trợ lắp tay giả song bạn từ chối vì thấy không khó khăn gì với cuộc sống một cánh tay.
Cô Nguyễn Thị Thu Quỳnh - giáo viên chủ nhiệm của Thương - cho biết cô học trò khuyết tật ấy rất ngoan, luôn ý thức vươn lên và tích cực tham gia các hoạt động của trường, sống hòa đồng chứ không mặc cảm tự ti về bản thân.
"Thương học đều các môn, toàn tự học chứ không học thêm ở đâu mà lại học rất tốt. Em ấy xứng đáng là học sinh tiêu biểu của Trường THPT Chiềng Sinh", cô Thu Quỳnh nói.
Thương biết học bổng này từ một người bạn của anh trai Thương đã từng nhận học bổng Tiếp sức đến trường của Tuổi Trẻ năm 2017.
TTO - Mỗi tân sinh viên nhận học bổng là một câu chuyện nghị lực vượt khó khiến buổi lễ trao học bổng ngày 12-11 nhiều cảm xúc lắng đọng.
Xem thêm: mth.75865039041112202-yad-nort-am-teyuhk-cab-yat-gnur-iun-aoh-gnob/nv.ertiout