Tiết học theo hình thức đổi mới ở Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) - Ảnh: HUY TRẦN
Thực trạng trên được chẩn bệnh là lương thấp. Quả thực, lương giáo viên là câu chuyện gian khổ trường kỳ đã kéo dài qua nhiều thời bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nó được nhắc đến trong các lần xây dựng luật, sửa luật, trong các kỳ họp Quốc hội. Nhưng tới bây giờ phần lớn giáo viên vẫn có mức lương không vượt qua con số 10 triệu đồng/tháng, bao gồm cả tiền phụ cấp.
Ngân sách eo hẹp, kéo theo rất nhiều cản trở khác trong hành trình tăng lương khiến cho ở khía cạnh "lương giáo viên", giáo dục chưa bao giờ đạt mục tiêu là "quốc sách hàng đầu".
Nhưng có thật chỉ vì "lương thấp" không? Lại có những ý kiến cho rằng "trước đây lương vẫn thấp, sao giáo viên không ào ào nghỉ việc như bây giờ?".
Một giáo viên từng kể cô có nhiều năm đến trường, bước vào lớp với giáo án soạn cho nhiều thế hệ học sinh, nói những điều ngày hôm qua, hôm kia cũng đã nói, nhận một mức lương thấp đến mức không muốn nghĩ đến. Và rồi đại dịch thoắt đến làm đảo lộn mọi thứ, trường học đóng cửa, cô có cơ hội đi học, làm việc khác, bước vào môi trường khác và thấy sống trong cái "vỏ ốc" thật nhàm chán, vô nghĩa. Cô quyết định sẽ dừng lại để bước sang một ngã rẽ mới.
Nhưng vào ngày cô định nộp đơn cũng là ngày hiệu trưởng mới nhậm chức muốn gặp cô để trao đổi. Cô đã khóc rất nhiều những ngày sau đó khi nghe "sếp" mới nói về "sứ mệnh người thầy", về niềm tin với năng lực của cô, cô có thể là giáo viên nòng cốt để biến những ý tưởng hiệu trưởng muốn hiện thực hóa ở ngôi trường này. Và cô ở lại, với một tâm thế khác.
Câu chuyện của cô giáo này không phải hy hữu. Cũng không hẳn vị hiệu trưởng kia có "thuốc thần kỳ" trị bệnh chán nghề, mà chỉ khơi trong tro viên than hồng từng bị vùi lấp.
Có hàng ngàn "viên than hồng" như thế đang bị vùi lấp trong những môi trường làm việc thiếu dân chủ, áp lực bủa vây, tù túng vì thiếu thông tin, thiếu sự đồng hành, hỗ trợ. Giáo viên không chỉ lương thấp mà năng lượng cũng thấp, nhiệt huyết hạ dần, niềm tin vào bản thân, vào cấp trên, đồng nghiệp sụt giảm.
Nhưng nếu ở môi trường làm việc họ cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy không đơn độc, cảm thấy mình được tin cậy và mình có ích thì đó sẽ là sức mạnh đủ làm ấm trở lại nhiệt huyết của người thầy. Giá trị tinh thần mà họ có thể chạm vào không đo đếm được như thang bảng lương, song đó là cách để lửa nghề còn lại.
Trong hơn 1 triệu giáo viên phổ thông trên cả nước, có nhiều người lương thấp, sống cuộc sống khó khăn nhưng vẫn bám trụ với nghề. Có những thầy, cô giáo vượt qua hàng chục cây số trên những chặng đường hiểm trở để đến điểm trường; có những thầy cô bán cả đồ đạc trong nhà để mua thiết bị thí nghiệm, tự làm đồ dùng dạy học không để học sinh học chay. Họ có lý do để giữ lửa nghề và ngọn lửa âm thầm trong tim khiến họ vượt qua được thiếu thốn, vất vả mà vẫn cảm thấy hạnh phúc.
Hiện thực đa chiều ấy cho thấy không phải hơn chục ngàn giáo viên bỏ nghề đã vì lương thấp. Nên trong lúc chờ giải bài toán về lương, ngành giáo dục có thể tìm những giải pháp khác để giáo viên cảm nhận được giá trị quan trọng của nghề thầy.
TTO - Ngày đầu một năm học, mỗi nhà giáo, học sinh, phụ huynh và nhiều người đều có những mong ước của riêng mình. Cá nhân tôi với tư cách một thầy giáo, một người từng quản lý giáo dục cũng có những mong ước trong năm học mới.
Xem thêm: mth.82155119041112202-ehgn-aul-av-neiv-oaig-gnoul/nv.ertiout