Hiện nay, có tình trạng các chủ thể có quyền sử dụng đất thuộc diện bị thu hồi đất trên cả nước đều mặc định theo dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) mới sẽ được thoả thuận trong công tác bồi thường, hỗ trợ với mức giá sát với giá thị trường nên có tâm lý chờ đợi Luật được Quốc hội thông qua, không chấp hành pháp luật khi nhà nước thu hồi đất.
Thực tế trên được đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) nêu khi tham gia thảo luận tại nghị trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), sáng 14/11.
Theo đại biểu Khải thì tình trạng nói trên dẫn đến các địa phương trong vài năm trở lại đây vô cùng khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hầu hết các dự án bị chậm tiến độ hoặc dừng triển khai, không chỉ các dự án thương mại của doanh nghiệp mà các dự án đầu tư công cũng không thể giải ngân đúng tiến độ.
"Đây là một điểm nghẽn rất lớn cho tăng trưởng kinh tế của đất nước. Không khéo, sau khi luật đất đai sửa đổi được Quốc hội thông qua không đạt được kỳ vọng của người dân lại gây thêm khó khăn, tác động tới an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội", ông Khải lo ngại.
Do đó, đại biểu đề nghị xem xét lại công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung sửa đổi bộ luật quan trọng, nhạy cảm này trong thời gian qua và có định hướng cho thời gian tới.
Vấn đề khác được đại biểu Khải đề cập là việc sửa đổi Luật Đất đai lần này làm sao thể chế được chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 06 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đặt ra là: Nâng số lượng đô thị từ 862 năm 2020 lên khoảng 1.200 đô thị vào năm 2030; Nâng tỷ lệ đô thị hoá từ 40% năm 2020 lên 50% vào năm 2030; Nâng tỷ lệ đóng góp của Kinh tế khu vực đô thị từ 70% năm 2020 lên 85% vào năm 2030.
Theo đại biểu, muốn phát triển được đô thị thì quan trọng nhất là phải tạo được quỹ đất sạch, cơ chế tiếp cận đất đai thuận lợi, cơ chế tài chính đất đai rõ ràng và quyền, nghĩa vụ của các chủ thể phải được bảo đảm, hài hoà và minh bạch.
"Do vậy, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo hết sức lưu ý chủ trương quan trọng này của Đảng để thể chế hoá, sửa đổi Luật đất đai, tạo được hành lang pháp lý quan trọng, làm động lực để chúng ta có thể thực hiện thành công Nghị quyết 06 của Đảng", ông Khải phát biểu.
Về những nội dung cụ thể, vị đại biểu Hà Nam cho rằng Dự thảo Luật chưa quy định cụ thể các trường hợp để cấp giấy chứng nhận cho khách hàng mua sản phẩm nghỉ dưỡng, codotel, biệt thự du lịch...
Đại biểu đề nghị Dự thảo quy định rõ chế độ sử dụng đất đối với các dạng bất động sản nêu trên, đồng thời quy định chuyển tiếp cho các dự án bất động sản có tính chất này trước thời điểm Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực.
Liên quan đến quy định về Người sử dụng đất (Điều 6), ông Khải nêu rõ, theo quy định tại Điều 6 thì “cá nhân người nước ngoài” không được xem là người sử dụng đất không được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất; thuê lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao.
Quy định này, theo đại biểu Khải cần được xem xét lại để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở hiện hành.
Cụ thể, điểm b khoản 2 Điều 159 Luật Nhà ở 2014 quy định, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua “mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ”.
Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định “cá nhân nước ngoài được thuê các loại bất động sản để sử dụng; được mua, thuê, thuê mua nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở” (khoản 2 Điều 14); “Việc mua bán nhà, công trình xây dựng phải gắn với quyền sử dụng đất.” (khoản 1 Điều 19).
"Như vậy, theo quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật Nhà ở 2014 thì người nước ngoài được thừa nhận quyền sở hữu nhà ở, nhưng theo Dự thảo thì lại không được thừa nhận quyền sử dụng đất. Điều này dường như chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 “việc mua bán nhà, công trình xây dựng phải gắn với quyền sử dụng đất”. Đề nghị bổ sung quy định “cá nhân người nước ngoài” thuộc đối tượng sử dụng đất", ông Khải góp ý.
baodautu.vn