Bức tường ngăn cách giữa Saigon Pearl và khu Vinhomes (quận Bình Thạnh) đang chắn con đường ven sông Sài Gòn - Ảnh: T.T.D.
Theo văn bản của Sở Giao thông vận tải TP, trước đó UBND TP yêu cầu các sở ngành và đơn vị liên quan làm việc với chủ đầu tư dự án Saigon Pearl và dự án Vinhomes (quận Bình Thạnh) để có phương án tổ chức giao thông hiệu quả trong quá trình thi công, sửa chữa cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh.
Để có cơ sở tham mưu TP về việc tổ chức giao thông đường ven sông Sài Gòn đoạn từ cầu Thủ Thiêm 2 đến cầu Kinh Thanh Đa, Sở Giao thông vận tải TP đề nghị các đơn vị liên quan rà soát và cung cấp hồ sơ pháp lý về con đường này.
Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường TP rà soát, cung cấp pháp lý về giao đất và các vấn đề liên quan đối với các dự án tiếp giáp đường ven sông Sài Gòn đoạn từ cầu Thủ Thiêm 2 đến cầu Kinh Thanh Đa. Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP, UBND quận 1 và quận Bình Thạnh rà soát, cung cấp pháp lý liên quan đến phê duyệt đồ án quy hoạch các dự án tiếp giáp đường ven sông Sài Gòn.
Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông vận tải TP) nghiên cứu các giải pháp tổ chức giao thông trên đường ven sông Sài Gòn (đoạn từ cầu Sài Gòn đến cầu Thủ Thiêm) trong trường hợp dỡ bức tường giữa hai dự án Saigon Pearl và Vinhomes.
Trung tâm được yêu cầu đánh giá cụ thể về điều kiện an toàn giao thông trên tuyến đường này và các tuyến đường liên quan trong khu vực khi khai thác, sử dụng.
Sở Giao thông vận tải TP đề nghị các đơn vị có văn bản phản hồi trước ngày 24-11 để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo TP.
Những ngày qua, Tuổi Trẻ Online đã có nhiều bài viết liên quan đến việc cần sớm đầu tư hoàn thiện và thông tuyến đường ven sông Sài Gòn để người dân có thêm một lựa chọn đi lại trong bối cảnh các tuyến đường hiện hữu đang quá tải.
Theo quy hoạch của các dự án, con đường và dải công viên dọc sông Sài Gòn là công trình công cộng. Các chủ đầu tư dự án có phần đất này sau khi đầu tư xong sẽ nghiệm thu và bàn giao cho Nhà nước quản lý.
Ngoài ra, tại khu vực nêu trên có bến thủy Sài Gòn Pearl, vốn là một trong chín bến của tuyến vận tải công cộng buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông). Dù tuyến buýt sông số 1 đã đưa vào hoạt động từ năm 2017 đến nay nhưng bến thủy Sài Gòn Pearl vẫn nằm trên giấy.
Đường ven sông Sài Gòn khi hình thành, người dân TP ai cũng có thể tiếp cận bờ sông và tiện ích công cộng dọc sông. TP có thể nghiên cứu tổ chức phố đi bộ, các loại hình giao thông xanh như xe điện, xe đạp... và mô hình trên bến dưới thuyền để góp phần giải tỏa ùn tắc cũng như kết nối được nhà ga metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
TTO - Tuyến đường ven sông từ cầu Sài Gòn đến cầu Thủ Thiêm chưa thể thông vì một bức tường. Và một bến thủy nội địa khá lớn đối diện khu dân cư Saigon Pearl (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng bị "lãng quên" nhiều năm qua.