Một tuần trở lại đây, trong khi thị trường chứng khoán lao dốc liên tục, nhà đầu tư trong nước lo sợ bán tháo, các chỉ số liên tục rơi xuống mức thấp trong nhiều năm thì các nhà đầu tư nước ngoài lại miệt mài thu gom những cổ phiếu tốt với giá rất rẻ như STB, HPG, SSI, VND, KDH...
Mua hơn 13.000 tỉ đồng
Chỉ tính riêng sàn HoSE, từ ngày 7 đến 14-11, khối ngoại đã mua ròng tới hơn 5.823 tỉ đồng. Còn nếu chỉ tính giá trị mua thì con số lên tới hơn 13.000 tỉ đồng, lớn nhất trong nhiều tháng trở lại đây. Trong đó, mua ròng mạnh nhất tập trung vào hai ngày 12 và 14-11 với gần 4.200 tỉ đồng, đây cũng là 2 phiên mà thị trường rơi sâu nhất trong hơn 2 năm trở lại đây.
Liên quan đến động thái mua gom cổ phiếu giá rẻ của khối ngoại những ngày qua, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo nhiều công ty chứng khoán đều đánh giá đây là động thái tích cực. Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, cho rằng việc mua bán của khối ngoại có nguyên tắc nhất định. Đối với các quỹ đầu tư chủ động sẽ mua cổ phiếu có triển vọng tích cực, giá giảm nhiều từ việc định giá đủ hấp dẫn. Trên thị trường Việt Nam gần đây, có một lực lượng nhà đầu tư quốc tế lớn là các quỹ đầu tư ETF (quỹ đầu tư theo chỉ số) từ Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, một số từ châu Âu... thu hút được lượng vốn rất lớn từ việc bán chứng chỉ quỹ cho nhà đầu tư cá nhân, có dòng tiền lớn và bắt đầu giải ngân vào danh mục chứng khoán của quỹ.
"Các quỹ ETF là kênh dẫn vốn cho nhà đầu tư nên khi họ mua ròng nghĩa là đánh giá được thị trường tích cực trong trung dài hạn và định giá cổ phiếu đủ hấp dẫn. Trong bối cảnh thị trường vẫn giảm vì việc bán giải chấp đối với một số cổ phiếu vẫn khá lớn thì động thái mua ròng của khối ngoại sẽ góp phần giúp thị trường sớm tìm được điểm cân bằng" - ông Đỗ Bảo Ngọc nói.
Quan điểm này cũng được ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, đồng tình khi cho rằng khối ngoại chủ yếu là các quỹ đầu tư đến từ Đài Loan, Thái Lan - nơi thị trường chứng khoán đã phát triển trước Việt Nam vài chục năm và đã trải qua những giai đoạn như thị trường Việt Nam hiện tại nên họ có kinh nghiệm. Họ biết sau thời gian bất ổn, hoang mang, thì "đâu sẽ vào đấy". Đồng thời, họ đều là những người rất chuyên nghiệp, không mua bán theo cảm xúc, cảm tính như các nhà đầu tư cá nhân trong nước, mà có phân tích vĩ mô, vi mô, ngành, doanh nghiệp (DN) rất kỹ lưỡng rồi ra quyết định. "Thị trường chứng khoán Việt Nam đang giao dịch với mức định giá rất thấp, P/E dưới 10, nhiều mã cổ phiếu có P/E chỉ còn 3-4 là vùng giá hấp dẫn. Đồng thời, dù có bị ảnh hưởng tình hình lạm phát chung trên toàn thế giới nhưng số đông các DN niêm yết vẫn hoạt động có lãi chứ không phải lỗ quá nghiêm trọng. Do đó, với định giá quá thấp và cực kỳ hấp dẫn như hiện nay, khối ngoại lập chiến lược mua vào là hợp lý" - ông Trương Hiền Phương nói.
Trong lúc nhà đầu tư trong nước lo lắng bán tháo thì nhà đầu tư nước ngoại lại đẩy mạnh mua vào nhiều cổ phiếu tốt với giá rẻẢnh: Hoàng Triều
Cần giải pháp ổn định thị trường
Về giải pháp để phát triển bền vững thị trường chứng khoán, ông Trương Hiền Phương cho rằng gần đây có tâm lý quan ngại về việc đáo hạn trái phiếu của các DN từ nay đến cuối năm; đồng thời các DN hiện khó huy động vốn từ trái phiếu trong khi hạn mức tín dụng ngân hàng đã sắp cạn. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành cần thông tin, có giải pháp hỗ trợ để giúp trấn an cho nhà đầu tư và giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn.
"Với trái phiếu DN đến nay, riêng những DN làm ăn tốt có thể nghiên cứu cho họ đảo nợ trái phiếu hoặc tái tục trái phiếu đó, thay vì phải thanh lý. Vì những DN đang hoạt động tốt mà dòng vốn đột ngột bị chững lại thì cũng sẽ gặp khó khăn. Hiện tại, không chỉ riêng Việt Nam mà kinh tế thế giới đều gặp khó khăn. Nhưng trong khó khăn này, Việt Nam vẫn là điểm sáng với tốc độ tăng trưởng GDP hàng đầu khu vực. Việt Nam cũng là điểm sáng thu hút các tập đoàn sản xuất công nghệ nên tiềm năng phát triển của đất nước là rất lớn, là cơ hội để thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển trong trung dài hạn" - ông Trương Hiền Phương nhận định.
ThS Nguyễn Anh Vũ - Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, nhìn nhận việc thị trường chứng khoán tăng nóng trong 2 năm trước không phải do những yếu tố tích cực nổi bật của nền kinh tế mà chủ yếu do dòng tiền "rẻ" trong đại dịch đầu cơ sang. Và khi kinh tế trong ngoài nước thật sự bị "thấm đòn" sau đại dịch, xung đột Nga - Ukraine… kéo thị trường chứng khoán giảm sâu. Tuy vậy, trong lúc giá cổ phiếu giảm sâu cũng là cơ hội cho nhà đầu tư chọn lọc DN để đầu tư, vì kinh tế không phải khó khăn mãi và không phải DN nào cũng khó. "Thế nhưng để củng cố niềm tin cho nhà đầu tư, cơ quan quản lý cần cơ chế cảnh báo, phát hiện sớm những vi phạm trên thị trường. Đặc biệt, công tác giám sát, quản lý thị trường phải tốt hơn, minh bạch hơn nhằm chống tình trạng thao túng, thổi giá, cố tình công bố sai lệch thông tin gây thiệt hại cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ" - ông Vũ nói.
Cũng theo các chuyên gia chứng khoán, thị trường Việt Nam đang diễn biến trong mặt bằng giá bất hợp lý do một số cổ phiếu bị bán giải chấp, "vạ lây" sang nhiều mã khác tạo hiệu ứng bán tháo bằng mọi giá, gây ra tác động dây chuyền.
"Tác động tiêu cực này đến từ tâm lý hoang mang của nhà đầu tư, nỗi lo lạm phát, suy thoái, trái phiếu DN, tin đồn... và thậm chí đến từ một số lời đồn có chủ đích từ một số cá nhân nào đó. Việc này cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý để sớm lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư. Ngược lại, đây là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu tốt với giá cực rẻ. Bởi cũng cổ phiếu đó, DN đó so với vài tháng trước đã giảm 30%-50% thậm chí 60%" - ông Trương Hiền Phương phân tích.
Xem thêm: mth.88510311241112202-gnor-aum-hnam-yad-iaogn-iohk/et-hnik/nv.moc.dln