Chủ tịch HĐQT Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 7 người đang bỏ trốn và bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố trong vụ án vi phạm đấu thầu, đưa nhận hối lộ xảy ra ở Đồng Nai. Hôm 11/11, Bộ Công an đề nghị các bị can này ra đầu thú để được hưởng khoan hồng; nếu không, cơ quan điều tra coi đó là từ bỏ quyền tự bào chữa và vụ án vẫn được kết luận theo quy định của pháp luật.
Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng đây là trường hợp hy hữu. Thông thường khi bị can bỏ trốn, cơ quan tố tụng sẽ tạm đình chỉ điều tra để "chờ bắt được để xử lý sau".
Gần đây nhất tại vụ án Nhật Cường Mobile, ông chủ Bùi Quang Huy bị Bộ Công an khởi tố về ba tội danh, trong đó có Rửa tiền, dù đã bỏ trốn trước đó. Sau nhiều năm truy tìm, Bộ Công an tạm đình chỉ điều tra bị can với Huy, từ đó VKS không truy tố. Trong năm 2021, vụ án được xét xử sơ thẩm, phúc thẩm với 14 người liên quan, hầu hết là nhân viên của Nhật Cường.
Ở vụ án chuyển nhượng "đất vàng" trái phép liên quan cựu bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa bị khởi tố song đã bỏ trốn. Khi đề nghị truy tố, Bộ Công an tạm đình chỉ điều tra với bà Thoa do hết thời hạn điều tra và thông báo "khi bắt được sẽ phục hồi, xử lý sau".
Ông Trương Việt Toàn, nguyên Phó chánh án TAND Hà Nội, cho biết nhiều năm làm chủ tọa các vụ án lớn "chưa từng xét xử vụ nào mà bị can đang bỏ trốn". Tuy nhiên, ông nói chứng kiến nhiều vụ tương tự, VKS truy tố và toà vẫn tuyên án với người bỏ trốn.
Theo ông Toàn, trong vụ AIC, việc Bộ Công an đề nghị truy tố 36 bị can, trong đó có 8 người đang trốn truy nã, là "không đặc biệt" và "không sai về tố tụng".
"Bị can bỏ trốn thì quá trình điều tra, xét xử chỉ thiếu lời khai của họ chứ không làm thay đổi bản chất vụ án. Cơ quan tố tụng sẽ dựa vào toàn bộ chứng cứ có trong hồ sơ và tài liệu, lời khai của các bị can hoặc người liên quan khác để làm căn cứ truy tố, xét xử", ông Toàn phân tích.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh cho rằng thông thường, trong vụ án có một hoặc nhiều bị can bỏ trốn, cơ quan điều tra sẽ tạm đình chỉ điều tra bị can khi hết thời hạn điều tra hoặc VKS sẽ tách vụ án để giải quyết nếu xét thấy việc này không ảnh hưởng đến quá trình xác định sự thật khách quan.
Vụ án do vậy vẫn được điều tra như bình thường với những người liên quan khác. Tuy nhiên, bị can bỏ trốn sẽ mất các quyền lẽ ra được có như: khiếu nại, kiến nghị, bào chữa, bảo vệ tài sản, đối chất khi có mâu thuẫn lời khai...
Theo ông Quynh, dù cơ quan điều tra đề nghị truy tố bị can bỏ trốn nhưng trong giai đoạn truy tố VKS vẫn có thể chấp nhận hoặc tách vụ án với các bị can bỏ trốn để giải quyết sau, theo điểm a, khoản 2, điều 242 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Như cựu thẩm phán Toàn, luật sư Quynh đánh giá trường hợp cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị truy tố khi đang bỏ trốn là "hy hữu". Khoản 2 điều 290 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong trường hợp "bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả". Bởi vậy, tại vụ án AIC, việc truy bắt bà Nhàn không có kết quả thì quá trình xét xử vẫn có thể diễn ra bình thường.
"Nhiều năm hành nghề, tôi chưa chứng kiến trường hợp nào bị đề nghị truy tố, đưa ra xét xử khi đang bỏ trốn. Nhưng tôi được biết khoảng năm 1980 từng có một bị can bỏ trốn trước khi bị khởi tố nhưng vẫn bị tòa án đưa ra xét xử và bị tuyên tử hình vắng mặt, tuy nhiên việc này là trước khi áp dụng Bộ luật Hình sự 1985", luật sư Quynh nói.
Theo ông, xét thấy vụ án đã đủ chứng cứ, đúng trình tự và việc vắng mặt của bị cáo không ảnh hưởng tới việc xét xử, tòa án có quyền quyết định và chịu trách nhiệm đó. Bị cáo không có mặt sẽ mất đi các quyền lợi nêu trên, cùng quyền được xét xử công khai tại toà, bình đẳng trước pháp luật tại phiên toà cùng các bị cáo khác...
Luật sư Quynh cho biết ở vụ án AIC, trong 60 ngày từ khi VKS nhận được hồ sơ kết luận điều tra, bị can trốn truy nã mà ra đầu thú thì VKS sẽ ra lệnh tạm giam và ghi nhận đây là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự. Việc giảm nhẹ thế nào sẽ do tòa quyết định trên cơ sở tranh tụng công khai.
Hồi tháng 8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã yêu cầu sớm xử lý dứt điểm vụ án xảy ra tại AIC và các đơn vị liên quan.
Xem thêm: lmth.6255354-nort-ob-gnad-ud-ux-tex-ib-oc-nahn-hnaht-iht-neyugn-cia-hcit-uhc-uuc/ten.sserpxenv