Thủ tướng Võ Văn Kiệt tươi cười hỏi thăm đoàn nhà báo trong chuyến bay từ Bangkok về Hà Nội trước khi báo chí phỏng vấn ông ngày 17-12-1995 - Ảnh tư liệu
"Cuộc ra quân quốc tế"
Thủ tướng Võ Văn Kiệt sang thủ đô Thái Lan dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - lần đầu tiên Việt Nam tham dự. Sự kiện này đánh dấu đường lối ngoại giao đa phương của Việt Nam gặt hái nhiều thành công đột phá.
Thật vậy, ASEAN là tổ chức liên kết các quốc gia Đông Nam Á thành lập năm 1967, một sân chơi quan trọng về cả kinh tế và bang giao quốc tế. Do hệ lụy của nhiều cuộc chiến, mãi đến năm 1993, Chính phủ Việt Nam mới sẵn sàng gia nhập.
Tuy vậy, Việt Nam còn phải trải qua nhiều cuộc đàm phán, thảo luận gay go, đặc biệt là yêu cầu mở cửa thị trường, thực hiện AFTA - giảm thuế nhập khẩu hàng hóa, đầy mới mẻ. Cuối cùng, qua nhiều nỗ lực, ngày 28-7-1995, Việt Nam được kết nạp chính thức vào ASEAN.
Trước đó hai tuần lại là một sự kiện vang dội khác. Ngày 11-7-1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Tổng thống Bill Clinton cùng tuyên bố Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao. Chính phủ hai nước mở đầu cuộc bình thường hóa bang giao nhiều mặt sau hai thập niên "đóng cửa".
Như vậy, cùng với việc ký hiệp định hòa bình và rút quân khỏi Campuchia và việc các nước phương Tây và Nhật Bản nối lại viện trợ cho Việt Nam (1993), hai sự kiện năm 1995 cho thấy quốc gia hình chữ S đã thoát được cuộc bao vây và cấm vận để bước sang thời kỳ hồi phục và phát triển mạnh mẽ.
Từ ấy, tin tức về một nước Việt Nam độc lập, mở rộng vòng tay với tất cả các đối tác đã trở thành "tin nóng" của nhiều phương tiện truyền thông trên thế giới.
Cũng từ ấy, báo chí Việt Nam có nhiều cơ hội đi ra bên ngoài, trong đó sự kiện ASEAN Summit - hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 12-1995 là dịp "ra quân quốc tế" đầu tiên của nhiều báo đài trong nước.
Từ TP.HCM, báo Tuổi Trẻ (Huỳnh Sơn Phước) và báo Saigon Times Daily (Phúc Tiến) đưa phóng viên đến Bangkok "mai phục" sớm nhất. Trước Hội nghị thượng đỉnh một tuần, các hội nghị kế tiếp nhau SOM (quan chức cao cấp), AMM (Ngoại trưởng) và AEM (Bộ trưởng Kinh tế) là các cuộc họp tối cần thiết chuẩn bị cho các nguyên thủ ASEAN gặp nhau.
Liên tục nhiều ngày, tác nghiệp ở cả bốn hội nghị, cánh nhà báo Việt Nam "chạy đua" cùng các phóng viên nước ngoài để thông tin các sự kiện.
So với các đồng nghiệp quốc tế, chúng tôi có lợi thế người nhà nên đeo bám săn tin ở các VIP Việt Nam dễ dàng hơn, như Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Khoan, Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết, Bộ trưởng Tài chính Hồ Tế. Đặc biệt, Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm đã dành hai giờ hiếm hoi ngay tại phòng mình để trả lời báo đài.
Tuy nhiên, chúng tôi đều sốt ruột và ấm ức khi chưa có cơ hội phỏng vấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong hội nghị. Vào buổi tối cuối cùng khi cuộc họp thượng đỉnh kết thúc, anh Phước cùng tôi và anh Hồng Sơn (báo SGGP) tìm được cách "đột nhập" gian phòng suite của ông trên tầng thượng khách của khách sạn Sheraton.
Lúc ấy, Thủ tướng đi dự tiệc với các nguyên thủ ASEAN, chúng tôi kiên nhẫn chờ để phỏng vấn. Khi ông về đã hơn 8h tối, vẫn cười nói vui vẻ nhưng nét mặt đã nhuốm mệt mỏi sau ba ngày đầy kín hội họp, tiếp khách. Bác sĩ của Thủ tướng đề nghị chúng tôi dời lại cuộc phỏng vấn vào dịp khác để ông nghỉ ngơi, chuẩn bị trở về Hà Nội sáng mai.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp gỡ doanh nhân tại dinh Thống Nhất tháng 2-1995 - Ảnh: TỰ TRUNG
20 phút trên chuyên cơ
Thôi đành vậy. Cơ hội vàng còn lại chính là thời gian được bay cùng chuyên cơ với Thủ tướng. Sáng hôm đó, đoàn nhà báo ra sân bay từ sớm, lên chuyên cơ trước khi chủ nhà làm lễ tiễn. Thủ tướng là người lên máy bay cuối cùng. Tôi nhìn qua màn cửa ngăn cách khoang VIP, thấy ông ngồi trầm tư trên ghế một mình, gương mặt đầy vẻ phong sương.
Máy bay cất cánh. Chẳng mấy chốc, Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm từ khoang VIP bước ra, thăm hỏi cánh nhà báo. Chúng tôi lập tức "níu áo" ông, đề nghị "vận động" Thủ tướng cho phép phỏng vấn ngay trong chuyến bay. Ông Cầm nở nụ cười tươi hết sức, nói thân mật: "Để mình xem, đợi anh Sáu nghỉ mệt đã...".
Hơn 30 phút sau, Thủ tướng xuất hiện. Ông rất thoải mái, khỏe khoắn, chỉ mặc sơ mi, cởi bỏ chiếc áo veston nghi lễ. Ông dừng ngay hàng ghế của tôi và anh Huỳnh Sơn Phước ân cần hỏi: "Bọn bây có mệt không?". Rồi ông hỏi chung cả đoàn: "Các nhà báo đi lại, ăn uống thế nào? Viết được nhiều bài chưa?".
Mọi người sôi động hẳn, có mấy người lên tiếng "vòi" Thủ tướng cho biết cảm tưởng của ông về bóng đá SEA Games. Năm ấy, cùng thời gian với hội nghị thượng đỉnh ở Bangkok là SEA Games diễn ra tại Chiang Mai. Những ngày hội nghị cũng là lúc đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu rất ngoạn mục, vào đến chung kết nhưng thua đội Thái Lan và chỉ đoạt huy chương bạc.
Nghe hỏi về bóng đá, ông Sáu Dân - cũng là một cổ động viên nhiệt thành - đã trò chuyện đầy sảng khoái. Ông tiết lộ đã dự định đến sân vận động để xem trận bóng Việt Nam - Thái Lan, song vì thể thức ngoại giao có những điều "tế nhị" nên ông đành ở lại Bangkok xem truyền hình trực tiếp.
Bất ngờ ông bình luận: "Bóng đá cũng như chính trị. Hiệp đầu đã thua thì hiệp sau phải kiên quyết tấn công, đừng sợ mất gì nữa mà thủ!". Đúng lúc câu chuyện bóng đá thú vị đang lên cao điểm, Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm xuất hiện. Ông đề nghị Thủ tướng sẵn đây nói mấy lời với phóng viên về kết quả Hội nghị thượng đỉnh ASEAN.
Thủ tướng nhìn các nhà báo cười xòa. Vậy là cánh nhà báo tung ghế, ào ra vây quanh Thủ tướng. Nhà báo Thu Uyên VTV rất duyên dáng và sắc sảo đã chuẩn bị máy quay, áp sát micro ngay nhân vật chính. Thủ tướng vui vẻ bảo cứ nêu câu hỏi, thế là cuộc họp báo không hẹn trước bắt đầu.
Đại diện các báo tới tấp đưa ra câu hỏi này câu hỏi khác cùng một loạt các máy ghi âm, máy chụp hình đủ kiểu chen nhau. Nghe xong các câu hỏi, Thủ tướng gật gù và nói: "Bây giờ tôi xin trả lời chung...".
Mặc dầu ứng khẩu và đang đứng giữa các hàng ghế máy bay nhưng ông rất mạch lạc tóm tắt đầy đủ và gọn ghẽ các nội dung lớn đã được đồng thuận: ASEAN phải là một khối hợp tác về kinh tế và tự do hóa thương mại sâu rộng hơn; Ý tưởng hợp tác Tiểu vùng sông Mekong (Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar) đồng thời hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) trong một khuôn khổ mới, sau này gọi là Diễn đàn ASEM...
Thủ tướng nói tiếp về thái độ rất tích cực của các nguyên thủ khi bàn thảo các định hướng lớn về hợp tác kinh tế, nổi bật là các dự án giao thông xuyên khu vực. Ông cũng cho biết mình rất tin tưởng Việt Nam có đủ sức đăng cai và sẽ tiến hành thành công Hội nghị thượng đỉnh ASEAN kế tiếp, sẽ diễn ra vào năm 1998 tại Hà Nội.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh: "Việc Việt Nam tham gia ASEAN sẽ không gây tổn thương quan hệ với các nước khác". Lời tuyên bố của Thủ tướng là thông điệp mạnh mẽ cho thấy Việt Nam kiên quyết thực hiện đường lối bang giao đa phương sau một thời gian dài bị cô lập.
Cuộc họp báo trên không kéo dài khoảng 20 phút, cũng vừa lúc máy bay sắp đáp xuống sân bay Nội Bài. Chúng tôi nhớ mãi trong tiếng máy bay ù ù và khoang máy bay chật hẹp, ông Sáu Dân tuổi đã cao, đứng phát biểu trước báo giới với vẻ mặt kiên nghị, giọng nói rành rọt và chân tình.
Nhiều lần tiếp xúc, nhưng chính lần này tôi mới cảm nhận rõ nhất "phong cách Võ Văn Kiệt" và tài thao lược của vị Thủ tướng điều hành cả nội trị và ngoại giao những năm tháng Việt Nam bắt đầu hội nhập quốc tế, giữa muôn trùng sóng gió.
***************
"Với những người từng đưa quân đến xâm lược và đánh thuê trên đất nước ta, chúng ta còn khép lại quá khứ, đưa tay kết bạn huống chi là người nước mình".
>> Kỳ tới: Võ Văn Kiệt, trước khi trở về
TTO - Những người trí thức nhiệt tâm phục vụ đất nước đã gặp được người lãnh đạo có quan điểm "chức quyền chỉ là công cụ phục vụ nhân dân". Những đóng góp thẳng thắn, chân thành đã gặp được quyết tâm mạnh mẽ.