Dữ liệu sơ bộ do Văn phòng Nội các Nhật Bản vừa cho biết, tăng trưởng GDP quý vừa rồi giảm 0,3% so với quý II, tương đương với mức giảm 1,2% hiệu chỉnh theo cơ sở so sánh hàng năm (annualized).
Khác với Việt Nam, cách tính tăng trưởng GDP theo cơ sở so sánh hàng năm được áp dụng phổ biến tại Mỹ, Nhật và một số nước. Kết quả này nhằm cho biết dự phóng tốc độ tăng trưởng GDP trong một năm, nếu kết quả ba quý tiếp theo tương đương hiện trạng của quý hiện tại.
Trước đó, cuộc thăm dò của Reuters dự báo tăng trưởng quý III của nước này sẽ đạt 1,1%, trong khi Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản đưa ra mức dự đoán là 0,8%. Quý II, GDP Nhật Bản tăng 4,6%.
"Sự suy giảm là điều bất ngờ", Atsushi Takeda, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Itochu, đánh giá. Theo ông, sai lệch lớn nhất giữa dự báo và thực tế là nhập khẩu lớn hơn dự kiến.
Trong khi xuất khẩu tăng 1,9%, nhập khẩu của Nhật tăng 5,2%, do chi phí năng lượng cao hơn và đồng yen yếu đã đẩy giá các sản phẩm đến nước này tăng cao. Thâm hụt cán cân thương mại vì thế kéo GDP xuống thấp hơn.
"Việc gia tăng nhập khẩu hàng hóa do căng thẳng nguồn cung hạ nhiệt và tạm thời tăng thanh toán cho các dịch vụ bên ngoài đã góp phần vào mức tăng trưởng âm", Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno, nhận định.
Trong nước, tiêu dùng cá nhân - thành phần chính của nền kinh tế Nhật Bản - quý III tăng 0,3%, so với mức 1,2% của quý II. Điều này phản ánh mức tiêu dùng yếu trong bối cảnh lạm phát cao hơn và làn sóng Covid-19 đạt đỉnh điểm vào tháng 8.
Đầu tư vốn doanh nghiệp vừa qua tăng 1,5%, chậm lại so với mức tăng 2,4% trong quý II. Đầu tư nhà ở tư nhân giảm 0,4%, nhẹ hơn mức giảm 1,9% trong quý trước đó. Tuy nhiên, ông Matsuno đánh giá kinh tế Nhật Bản vẫn đang "phục hồi vừa phải" sau đại dịch, nhờ nhu cầu trong nước của khu vực tư nhân, cũng như sự sẵn sàng đầu tư của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế nếu so với cùng kỳ năm ngoái (phương pháp tính đang được Việt Nam áp dụng), kết quả GDP quý III của Nhật vẫn tăng 1,8%, đánh dấu quý tăng trưởng thứ sáu liên tiếp sau thời kỳ suy thoái do đại dịch gây ra.
"Ba trụ cột chính của nhu cầu - tiêu dùng, chi tiêu vốn, xuất khẩu - vẫn ở mức tích cực, nếu không muốn nói là mạnh mẽ. Do đó, nhu cầu không yếu như số liệu chính cho thấy", ông Atsushi Takeda tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Itochu, nhận định.
Những số liệu mới nhất được đưa ra trong lúc kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng chậm lại. IMF tháng trước hạ triển vọng tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm sau xuống 2,7%, từ mức 2,9% trong dự báo hồi tháng 7, với lý do chi phí sinh hoạt cao hơn và thắt chặt các điều kiện tài chính trên toàn cầu.
"Với nền kinh tế toàn cầu đang trên bờ vực suy thoái, không có cách nào để Nhật Bản không bị ảnh hưởng. Xuất khẩu từ nước này cũng có khả năng thấp hơn", Yoshiki Shinke, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, cho biết.
Ông Matsuno cũng cho rằng chính phủ nhận ra "môi trường xung quanh các hộ gia đình và doanh nghiệp đang trở nên khó khăn hơn, với thu nhập thực tế của các hộ gia đình giảm và chi phí doanh nghiệp tăng".
Về triển vọng sắp tới, các nhà kinh tế cho biết một trong những yếu tố tích cực là sự hồi sinh của du lịch trong nước, từng mang lại 4.800 tỷ yen (34 tỷ USD) vào năm 2019. Nhật Bản vào tháng 10 đã nới lỏng hầu hết hạn chế biên giới, cho phép nhập cảnh miễn thị thực cho du khách cá nhân từ 68 quốc gia và khu vực.
"Chúng tôi đang mong đợi tăng trưởng trở lại trong quý IV, điều này sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của du lịch trong nước và cán cân thương mại mạnh mẽ hơn", Chuyên gia Darren Tay của Capital Economics, nhận xét.
Phiên An (theo Nikkei, CNN)