Trung tâm xử lý tin giả của Bộ Thông tin và Truyền thông là một kênh chính thống tiếp nhận phản ánh và xử lý tin giả - Ảnh: T.HÀ
Bắt lãnh đạo doanh nghiệp, tin xấu về hoạt động hay sản phẩm của doanh nghiệp... - những tin giả kiểu này đang ngày càng phổ biến, là vấn nạn đe dọa doanh nghiệp.
Đó là nhận định chung của các nhà quản lý đến từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chuyên gia pháp luật, truyền thông cũng như đại diện doanh nghiệp tham gia cuộc tọa đàm "Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 15-11.
"Tin giả nhưng hậu quả thật, có thể làm tê liệt, sụp đổ doanh nghiệp..." - ông Đậu Anh Tuấn, phó tổng thư ký kiêm trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhận định.
Theo ông Tuấn, hiện nay tin giả đang gây tác động cực kỳ lớn đến doanh nghiệp. Mạng xã hội càng làm khuếch trương tác động xấu của tin giả, phát tán nhanh hơn, gây ra tác động lớn và trực tiếp đến các doanh nghiệp.
Ông Đậu Anh Tuấn dẫn chứng cụ thể: Gần đây rất phổ biến loại tin giả tung tin đồn bắt chủ doanh nghiệp, tin đồn về "sức khỏe" của các doanh nghiệp, tin giả về chất lượng sản phẩm... Những tin giả này gây hậu quả ngay, rất nhanh chóng ảnh hưởng đến cổ phiếu của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, đến uy tín, đến các đối tác, hoạt động... có thể làm doanh nghiệp sụp đổ.
"Đáng lo ngại nhất là tin giả lan nhanh, khó xác định nguồn. Từng người dân, từng doanh nghiệp rất khó tự xác định nguồn gốc tin giả phát tán và mức độ thật giả" - ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đứng từ góc độ quản lý nhà nước, ông Lê Quang Tự Do, cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, cũng đánh giá tin xấu độc, tin giả liên quan đến doanh nghiệp hiện đang đến mức báo động.
Ông Tự Do cho biết Trung tâm xử lý tin giả của cục được thành lập vào tháng 4-2021. Đến nay trung tâm đã tiếp nhận gần 5.000 tin giả gửi đến và phân loại xử lý, đóng dấu tin giả được 50 tin. "Vì có những tin lại không phải tin giả, nó là những tin xúc phạm nhân phẩm, danh dự, những tin cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, chúng tôi đã chuyển đến những nơi khác để xử lý".
"Đúng là hiện nay với con số khoảng 5.000 như thế trong hơn một năm thì không phải là nhiều" - ông Tự Do thẳng thắn nhìn nhận.
Thay mặt khối doanh nghiệp tham gia tọa đàm, ông Nguyễn Vũ Long, quyền tổng giám đốc, thành viên hội đồng quản trị Công ty cổ phần chứng khoán Vndirect, kiến nghị: "Doanh nghiệp đang phải học cách thích nghi, sống chung với tin giả. Nhưng xử lý tin giả, tin đồn thì doanh nghiệp không thể tự xử lý được, mà cần phải có sự kết hợp của các cơ quan quản lý nhà nước".
Ông Lê Quang Tự Do cho biết: "Bộ Thông tin và Truyền thông đang đẩy mạnh thông tin để người dân biết được Trung tâm Xử lý tin giả. nhưng đồng thời ở các địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị tổ chức tiếp nhận những phản ánh của người dân, vì ngay trên địa bàn của mình dễ xác minh và xử lý. Địa phương sẽ tiếp nhận qua Sở Thông tin và Truyền thông và Văn phòng Ủy ban, nơi phát ngôn cũng như là nơi chuyển cho các sở, ngành có liên quan để xử lý các thông tin đó".
Tuy nhiên, ông Do cũng lưu ý các doanh nghiệp khi gặp những tin giả, tin đồn cũng có những cách liên hệ trực tiếp luôn với cơ quan chức năng để được hướng dẫn chứ không chờ qua một quy trình gửi về Trung tâm tin giả, đây là quy trình thông thường, còn khi có những vấn đề khẩn cấp sẽ xử lý theo hướng ưu tiên.
"Cục cũng thường xuyên nhận phản ánh tin giả từ doanh nghiệp, tổ chức, rồi trực tiếp từ các cá nhân, các cơ quan báo chí, chứ không phải chỉ nhận qua Trung tâm xử lý tin giả này. Doanh nghiệp có thể gửi trực tiếp công văn về Cục, gửi đơn khiếu nại, thậm chí là tố cáo, chúng tôi cũng đều xử lý hết mặc dù số lượng rất lớn" - ông Tự Do cam kết.
Xem thêm: mth.86734546151112202-peihgn-hnaod-od-pus-teil-et-mal-eht-oc-taht-auq-uah-gnuhn-aig-nit/nv.ertiout