Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước đã từng bước phát triển để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp và nền kinh tế, qua đó hỗ trợ giảm áp lực lên kênh tín dụng ngân hàng.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã xuất hiện một số tồn tại. Đó là có doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn, lãi suất cao trong khi tình hình tài chính hạn chế. Một số tổ chức cung cấp dịch vụ không đảm bảo chất lượng dịch vụ. Một số nhà đầu tư cá nhân chỉ quan tâm đến lãi suất, không đánh giá đầy đủ đặc điểm, bản chất của trái phiếu doanh nghiệp, một bộ phận nhà đầu tư cố tình vi phạm để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Các nhà đầu tư cá nhân khi được giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hoặc có ý định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần yêu cầu tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về doanh nghiệp phát hành, trái phiếu. Nhà đầu tư cần đọc, hiểu và nắm rõ các quy định này tại văn kiện trái phiếu và các bản công bố thông tin của doanh nghiệp. Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần hết sức lưu ý về trách nhiệm và cam kết của các tổ chức cung cấp dịch vụ. Việc các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này bảo lãnh, bảo đảm cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là tổ chức cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành, rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.
Về phía doanh nghiệp phát hành, nguy cơ rủi ro cũng tiềm tàng ở một số đơn vị. Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, trong 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ năm ngoái, có 57 công ty kinh doanh thua lỗ trước khi phát hành, 45 đơn vị có tỷ lệ đòn bẩy nợ hơn 10 lần, 10 doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu gấp hơn 5 lần vốn chủ sở hữu.
Trong nhóm 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lớn nhất, nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ khối lượng phát hành trên vốn chủ sở hữu gấp nhiều lần, thậm chí vài chục lần.
Công ty cổ phần Osaka Garden có vốn chủ sở hữu ở mức 270 tỷ đồng nhưng huy động khối lượng trái phiếu lên tới 7.700 tỷ đồng. Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Mediterranean Revival Villas cũng tương tự, khi huy động 7.200 tỷ đồng trái phiếu trong khi vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 153 tỷ.
Khi báo cáo kết quả phát hành, Osaka Garden cho biết số tiền thu về để đặt cọc chuyển nhượng một phần dự án, trong đó phần tài sản đảm bảo tiết lộ tên dự án này là Sài Gòn Bình An, tại quận 2, TP HCM. Dự án này cũng xuất hiện trong báo cáo kết quả phát hành trái phiếu của Công ty Hoàng Phú Vương, doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu 800 tỷ nhưng huy động trái phiếu gần 4.700 tỷ đồng.
Tương tự, Mediterranena Revival Villas, doanh nghiệp có tỷ lệ huy động trái phiếu trên vốn chủ sở hữu năm 2021 gấp hơn 47 lần, cũng liên quan tới một dự án của nhà phát triển này.
Bên cạnh đó, việc huy động theo nhóm doanh nghiệp cũng xuất hiện trong danh sách các đơn vị phát hành nhiều nhất.
Ba công ty liên quan tới Sunshine Group gồm Công ty cổ phần Sunshine Homes, Công ty cổ phần Sunshine AM và Công ty Kinh doanh Nhà Sunshine huy động tổng cộng 10.100 tỷ đồng qua kênh trái phiếu trong năm 2021. Trong số này, Sunshine AM có tỷ lệ huy động trên vốn chủ sở hữu hơn 170%, còn Công ty Kinh doanh Nhà Sunshine ở mức hơn 730%.
Xem thêm: lmth.14951000042210202-gnah-hcahk-iov-on-art-pahp-iaig-ar-aud-ecanifsk-yt-gnoc/nv.semitaer