Ngày 15-11, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM đã có buổi làm việc với Sở Y tế TP.HCM về tình hình triển khai “Đề án y tế thông minh (YTTM) giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”sau khi đã giám sát tại bốn BV: Hùng Vương, Nhi đồng 1, Nhân dân 115 và Trưng Vương.
Ứng dụng công nghệ thông tin gặp khó
Theo TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trong quá trình triển khai đề án YTTM các BV gặp khá nhiều khó khăn. Đầu tiên phải kể đến chính là hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) không tương thích với phạm vi quy mô triển khai các ứng dụng. “Nguyên nhân là do thiếu tính chuyên nghiệp trong tư vấn cho các dự án phát triển hạ tầng CNTT của BV, một số đơn vị còn hạn chế về kinh phí đầu tư hạ tầng CNTT, nhất là hệ thống máy chủ của trung tâm dữ liệu” - TS-BS Dũng nhận định.
Tiếp đến là vấn đề thiếu nhân lực chuyên trách CNTT trong khi lực lượng này mang tính quyết định cho sự thành công trong đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Hiện hầu hết dự án ứng dụng CNTT tại các BV đều do công ty phần mềm thực hiện. Tuy nhiên, không phải tất cả chuyên gia CNTT của các công ty này đều am hiểu chuyên môn đặc thù của ngành y tế. Khó khăn cuối cùng là vấn đề an ninh mạng, an toàn và bảo mật thông tin. “Đáng chú ý, vấn đề này lại nằm ngoài khả năng của các BV do chưa có chuyên viên CNTT chuyên sâu trong lĩnh vực” - ông Dũng nêu.
Người dân đang chờ khám bệnh tại BV Nhân dân 115. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM, cho biết tính đa dạng, đa nhiệm vụ và đẳng cấp vừa là đặc điểm vừa là thách thức của ngành y tế. Tuy vậy, một thực tế là các BV đang phát triển CNTT một cách không đồng đều, có nơi làm rất tốt, có nơi lại chậm do quá tải công việc hoặc không đủ khả năng để đầu tư. Muốn có đề án YTTM phải nhìn vào tính đa dạng này chứ không chỉ nhìn vào các BV.
“Khó khăn của ngành y tế trong phát triển đội ngũ CNTT là do nhân viên CNTT ở lĩnh vực khác có thể rất giỏi nhưng khi vào ngành y tế họ cần ít nhất 3-5 năm để hiểu được tính chất đặc thù của ngành. Như vậy, chính sách phát triển nhân lực CNTT ngành y tế cần phải được chú trọng vì không có con người sẽ không làm được gì cả. Vấn đề đặt ra là làm sao để YTTM thực sự thông minh” - BS Giang nhấn mạnh.
Kiến nghị để dần hoàn thiện
Từ những khó khăn nêu trên, Sở Y tế TP.HCM cho rằng cần phải hoàn thiện và đồng bộ hệ thống cơ sở pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số y tế quốc gia. Đặc biệt là quy định pháp lý trong lưu trữ hồ sơ, bệnh án điện tử, thừa nhận các loại giấy phép được cấp qua môi trường mạng. Tiếp đó là hỗ trợ ngân sách đầu tư hạ tầng CNTT cho các cơ sở y tế nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và mục tiêu chuyển đổi số, có cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích lực lượng CNTT làm trong ngành.
Ngoài ra, Sở Y tế đề xuất đưa chi phí đầu tư CNTT vào cấu thành giá viện phí để các cơ sở y tế đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cải tiến chất lượng phục vụ người dân. Đặc biệt, cần có chính sách không thu phí giao dịch (thanh toán qua thẻ POS, chuyển khoản ngân hàng, MoMo, Zalo…) đối với ngành y tế.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, nói: “Chúng ta phải làm sao để tất cả bệnh nhân có bệnh án điện tử theo dõi sức khỏe, phải để người dân đăng ký khám bệnh trực tuyến mà không cần xếp hàng, sau đó nhận được kết quả trong sổ sức khỏe điện tử. Ngành y tế nên từng bước thí điểm nghiên cứu liên thông dữ liệu giữa các BV để phục vụ người bệnh, tiếp tục hướng trọng tâm về cơ sở để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ứng dụng các tinh hoa của thế giới vào chăm sóc sức khỏe cho người dân”.
Y tế thông minh phải hướng đến người dân
Hiện các ứng dụng CNTT trong đề án YTTM mới chỉ phục vụ cho quản lý chung của ngành y tế trong khi đối tượng quan trọng nhất là người dân thì chưa được quan tâm. Đích đến cuối cùng của đề án YTTM là phục vụ người bệnh, vì sử dụng ứng dụng nào đi nữa nhưng nếu người dân không dùng thì đó là thất bại.
BS LÊ TRƯỜNG GIANG, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM