Phối cảnh tổng thể khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: VNUHCM
So với các đại học khác trên cả nước, diện mạo khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM hiện nay đã được hình thành tương đối rõ nét. Qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, từ những trường đại học biệt lập với các cơ sở rải rác, khép kín, ĐH Quốc gia TP.HCM đã và đang hướng đến một khu đô thị đại học, là nơi tỏa ra lực hút mạnh mẽ ở tầm quốc tế, tiên phong trong việc tạo ra một không gian đại học xứng tầm.
"Cầu cứu" nhiều lần vẫn chưa xong
Khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM được xây dựng theo một mô hình đô thị khoa học hiện đại, nằm trên địa bàn TP Thủ Đức (TP.HCM) - TP Dĩ An (Bình Dương), trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Không gian thực tế gồm 643,7ha là không gian chung (kiến trúc, văn hóa, giáo dục, kinh tế và dịch vụ cộng đồng) của một thành phố đại học trên cơ sở quy hoạch do Thủ tướng phê duyệt. Khu đô thị được phân thành các khu: trung tâm điều hành, trung tâm dịch vụ công cộng, các trường thành viên, các viện và trung tâm nghiên cứu khoa học, trung tâm giáo dục quốc phòng, trung tâm thể dục thể thao, ký túc xá sinh viên, nhà công vụ, công viên khoa học.
Tuy nhiên, dự án khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM đã được thực hiện hơn 20 năm nhưng đến nay chưa hoàn thành do vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng. Những năm qua, ĐH Quốc gia TP.HCM nhiều lần "cầu cứu" giải phóng mặt bằng. Đây là vấn đề được đại học này nhiều lần kiến nghị với lãnh đạo các cấp nhưng vẫn chưa giải quyết được.
Đại diện ĐH Quốc gia TP.HCM cho hay: "Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, thời gian qua ĐH Quốc gia TP.HCM đã tích cực phối hợp với hai địa phương (UBND TP Dĩ An và UBND TP Thủ Đức) giải quyết các tồn đọng, xây dựng kế hoạch thu hồi mặt bằng nhằm thúc đẩy công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư khu quy hoạch ĐH Quốc gia TP.HCM. Tính đến tháng 6-2022, diện tích đất đã thu hồi tại khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM đạt tỉ lệ khoảng 84% (chưa gồm diện tích đã đền bù)".
Khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Khó khăn về vốn
Theo lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM, việc chậm giải phóng mặt bằng cũng như phải tập trung bố trí vốn cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch bố trí vốn và tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng.
Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng ĐH Quốc gia TP.HCM thực hiện trên diện tích lớn, thời gian thực hiện kéo dài từ năm 1998 đến nay, trượt giá cao, dẫn đến việc khiếu nại của người dân tăng cao đặc biệt tại các vị trí có khả năng kinh doanh sinh lợi cao; các hộ dân xây phòng trọ, cho thuê mặt bằng, buôn bán kinh doanh nên nhiều hộ dân không đồng ý bàn giao mặt bằng hoặc cố tình kéo dài thời gian thu hồi mặt bằng.
Trong khi đó, ĐH Quốc gia TP.HCM không có quỹ nhà tái định cư và chưa phê duyệt điều chỉnh phương án bồi thường hỗ trợ nên khó tổ chức vận động người dân chấp hành chủ trương của dự án.
Khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là vốn cấp cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng hằng năm. Có năm cần vốn nhiều nhưng vốn cấp chưa đáp ứng được theo nhu cầu của công tác này; có năm được bổ sung nhưng lại giải ngân không hết do có thay đổi chính sách. Chính sách giá đền bù các khu vực có thay đổi theo thời gian do chế độ chính sách của địa phương thay đổi dẫn đến diện tích đất được người dân bàn giao không liền thửa nên rất khó khăn trong công tác quản lý chống tái lấn chiếm, đất để trống nhưng không sử dụng được.
"Khó khăn, vướng mắc còn nhiều, nhất là các hộ chưa chịu đi. Có hộ còn không hợp tác với địa phương trong công tác kiểm kê. Bên cạnh đó, việc kêu gọi đầu tư hiện nay còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt được nhiều kết quả. Các khu tái định cư hiện hữu chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các hộ dân bị giải tỏa. Khi quyết định bổ sung khu tái định cư tại chỗ cũng có những khó khăn do khu này chưa sạch hoàn toàn và phải đợi phê duyệt điều chỉnh của Thủ tướng" - đại diện ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết thêm.
Cắt giảm bớt 10ha
Quy hoạch khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM mới cập nhật điều chỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hiện đang chờ phê duyệt. Đợt này điều chỉnh quy hoạch, tập trung chủ yếu là buộc phải cắt bớt khoảng 10ha để làm tái định cư tại chỗ, chuyển đổi từ đất có chức năng giáo dục thành đất ở. UBND TP.HCM cũng kiến nghị cần xem xét tách 10ha này ra khỏi ranh giới ĐH Quốc gia TP.HCM. Khu tái định cư này dành để bố trí tái định cư cho các hộ dân bị di dời của dự án ĐH Quốc gia TP.HCM.
Theo UBND TP, diện tích 10ha đất này được cắt giảm từ các hạng mục thành phần trong dự án ĐH Quốc gia TP.HCM, cụ thể là từ khu ký túc xá sinh viên, khoa ngoại ngữ và khoa giáo dục. Sau khi điều chỉnh thì diện tích các khoa và trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn bảo đảm tiêu chuẩn.
Kiến nghị hỗ trợ giải phóng mặt bằng
Trong cuộc làm việc với bộ trưởng Bộ GD-ĐT hồi tháng 4-2022, lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục đề nghị bộ kiến nghị UBND TP.HCM và tỉnh Bình Dương khẩn trương hỗ trợ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng ĐH Quốc gia TP.HCM trở thành hạt nhân của khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông, là điểm kết nối giữa hai TP Thủ Đức (TP.HCM) và Dĩ An (Bình Dương).
Những sinh viên đầu tiên của Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc
Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội tại khu giảng đường ở Hòa Lạc - Ảnh: VNU
Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc (huyện Thạch Thất, Hà Nội) được Chính phủ phê duyệt năm 2002 với mục tiêu chính là xây dựng khu đô thị đại học hiện đại, tiên tiến bậc nhất Ðông Nam Á. Đây cũng sẽ là khu đô thị đại học liên hoàn thống nhất gồm các đại học thành viên, viện và trung tâm nghiên cứu cùng các trường THPT chuyên.
Sau khi Chính phủ thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đồng ý tổng vốn ước tính là 7.320 tỉ đồng, tháng 12-2003 lễ khởi công dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc được tiến hành. Tổng diện tích đất sử dụng của dự án trên 1.000ha, gồm 8 khu chức năng. Theo kế hoạch, năm 2015 khu Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc sẽ hoàn thành và 100% đơn vị đào tạo được di dời lên cơ sở mới. Tuy nhiên sau gần 20 năm, tháng 5-2022 Đại học Quốc gia Hà Nội mới chính thức chuyển trụ sở từ 144 Xuân Thủy, quận Cầu Giấy tới khu nhà điều hành tạm tại Hòa Lạc.
Tháng 7-2022, Đại học Quốc gia Hà Nội khánh thành và đưa vào sử dụng tổ hợp giảng đường HT1, HT2 cơ sở Hòa Lạc với 35.000m2 sàn gồm hệ thống giảng đường hiện đại, phòng thí nghiệm thông minh, thư viện nhiều tiện ích.
Từ tháng 9-2022, sinh viên năm thứ nhất các ngành sư phạm của Trường ĐH Giáo dục, 550 sinh viên năm thứ nhất và một số sinh viên năm thứ hai của Trường ĐH Y Dược, 300 sinh viên Trường ĐH Việt Nhật, 600 sinh viên Trường Quốc tế đã được đào tạo tại cơ sở này. Lễ khai giảng năm học 2022 - 2023 được Đại học Quốc gia Hà Nội lần đầu tiên tổ chức tại cơ sở Hòa Lạc.
Tại buổi làm việc mới đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính với ban lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung thực hiện dứt điểm dự án xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả với tư duy và cách làm mới.
VĨNH HÀ
TTO - Làng đại học Đà Nẵng được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch từ năm 1997 với tổng diện tích 300ha, nằm ở khu vực giáp ranh hai địa phương là Quảng Nam và Đà Nẵng.
Xem thêm: mth.75515052251112202-ion-ah-mch-pt-aig-couq-coh-iad-na-ud-cac-taht-tun-og-gnourt-nahk/nv.ertiout