Thầy Khiêm trao giải viết chữ đẹp cho học sinh Trường tiểu học Hồng Bàng (TP Rạch Giá) - Ảnh: C.CÔNG
Kể về cuộc đời mình, thầy Khiêm cho biết xuất thân trong gia đình lao động nghèo. Lên 11 tuổi, thầy đã phải bươn chải bán đủ thứ như cóc, ổi, mía... để kiếm từng đồng tiền lẻ đi học và sinh sống.
Tôi mang ơn thầy cô ở trường nhiều lắm. Nhờ có thầy Khiêm hỗ trợ, cháu tôi có thêm bảo hiểm y tế để đi học, tôi đỡ lo phần nào. Tôi cầu chúc thầy có nhiều sức khỏe để có thể giúp được nhiều em học sinh nghèo.
Bà Lê Thị Thu Ba (bà ngoại của Tường Vi,một trong những học sinh được thầy Khiêm giúp đỡ)
Từ chuyện gom đá, cát về xây sân trường
Năm 1982, thầy Ngô Hồng Khiêm ra trường và bắt đầu làm giáo viên dạy học ở Rạch Giá, Kiên Giang. Thầy đồng cảm và thấu hiểu nỗi khó khăn của các em học sinh nghèo khi đến trường đi học.
"Hồi đó, tôi không biết làm cách nào giúp các em học sinh nghèo. Ngoài động viên mọi người, với đồng lương 34 đồng/tháng, tôi trích ra một ít để mua tập, sách, viết làm quà tặng cho các em" - thầy Khiêm trải lòng.
10 năm sau, thầy Khiêm được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Lạc 1. Lúc đó trường xuống cấp, sân trường trũng thấp với đầy đất, đá, bùn lầy. Những lúc mưa xuống, ngôi trường như ngập trong nước. Học sinh đi học phải xắn quần lên mà đi. Có em nhiều lúc lỡ vấp ngã là ướt hết tập, sách.
Thầy Khiêm đã đi vận động nhà hảo tâm địa phương cho cát, đá vụn, xi măng... về xây sân trường cho học sinh đến trường học được sạch sẽ hơn. "Nhà nước cũng quan tâm xây dựng nhưng muốn nhanh thì tôi đi vận động thêm. Hồi đó khó khăn, ai cho cục đá, bao cát cũng mừng lắm. Năm 1996, sân trường được làm mới, trời mưa cũng không ngập, các em đi học được vui chơi thoải mái. Tôi và các thầy cô hạnh phúc lắm" - thầy Khiêm vui vẻ nói.
Đến MC không chuyên
Ở TP Rạch Giá cùng lúc này các nhà hàng nở rộ nên thầy Ngô Hồng Khiêm mới phân bổ thời gian hợp lý vừa tròn nhiệm vụ ở trường vừa đi làm MC đám tiệc kiếm tiền bỏ ống heo lo cho học sinh nghèo khi cần. Ban đầu thầy chỉ được các chủ nhà hàng trả 20.000 đồng/tiệc, 30.000 đồng/tiệc rồi đến 50.000 đồng/tiệc.
Sau này, "cát sê" của thầy lên tới 300.000 đồng/tiệc. Số tiền này được thầy trích ra mua bảo hiểm y tế, gạo, quần áo, tập sách hoặc dùng làm học bổng để khuyến khích các em có hoàn cảnh khó khăn có thêm động lực đi học.
Trả lời câu hỏi "Làm MC có khi nào thầy cảm thấy buồn và muốn bỏ không?", thầy Khiêm khẳng định: "Buồn có buồn, nhưng tôi làm vì các em học sinh. Các em nghèo rất cần tôi và thầy cô giúp đỡ. Tôi bỏ ngoài tai hết tất cả. Chỉ cần các em có thể đi học, nhiêu đó thôi tôi đã thấy đủ vui rồi".
Em Nguyễn Ngọc Tường Vi, học sinh lớp 5/7 ở Trường tiểu học Hồng Bàng, là một trong số những học sinh được thầy Khiêm và các thầy cô trong trường giúp đỡ. "Mẹ em mất do COVID-19. Cha em có gia đình khác rồi, ít lui tới thăm em. Em hiện sống với ngoại. Năm học này ngoại em lo hổng nổi. Thầy cô ở trường giúp đỡ em rất nhiều. Hổng có thầy cô, chắc giờ này em đã nghỉ học rồi" - Tường Vi nói.
Cứu lấy mắt cho trò nghèo
Cô Nguyễn Kim Phụng, giáo viên Trường tiểu học Hồng Bàng (TP Rạch Giá), cho biết Trần Thanh Đức, học sinh lớp 5/9, là cậu bé mồ côi và sống nương nhờ vào người dượng. Lúc Đức học lớp 5 có biểu hiện không nhìn rõ để viết bài. Sau đó, cô Phụng thông báo với gia đình nhưng không có tiền cắt kính cho cháu đeo.
"Đi khám bệnh ở Sài Gòn, lúc đó một bên mắt của Đức đã có biểu hiện không thấy. Biết chuyện, ngoài bỏ tiền túi, thầy Khiêm còn đi vận động các nhà hảo tâm được khoảng 187 triệu đồng để kịp thời giúp Đức chữa trị. Nếu không có thầy, tôi nghĩ Đức sẽ sống trong cảnh mù luôn. Ngoài Đức, nhiều trò nghèo khác cũng được thầy Khiêm giúp đỡ hết. Làm bằng cái tâm nên thầy cô ở trường, phụ huynh và học sinh đều yêu mến thầy lắm" - cô Phụng cho biết thêm.
TTO - Ông dùng ngòi bút lông viết hoa tên học sinh nên nét nào cũng rõ ràng. Ba tôi ghi rõ thứ hạng học lực, ngày, nơi sinh, tên cha, mẹ, nghề nghiệp… Có em còn được thầy mời ký tên dưới phần thông tin của bản thân.
Xem thêm: mth.92190938061112202-oehgn-ort-puig-neit-meik-ceit-mad-cm-mal-oaig-yaht/nv.ertiout