Theo kết quả điều tra vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, các ông Trần Đình Thành (cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai), Đinh Quốc Thái (cựu chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) đã nhận hối lộ từ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đối tượng đang bị truy nã) số tiền rất lớn bằng cách thức hết sức đơn giản.
Theo đó, ông Thành và ông Thái mỗi người nhận 14,5 tỉ đồng, nhiều lần tiền được trao ngay tại trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Ông Thành đưa số tiền lớn đó cho vợ gửi tiết kiệm, đầu tư bất động sản và chi tiêu cá nhân. Ông Thái thì sử dụng để đóng học phí cho hai con gái du học tại Mỹ, chi tiêu cá nhân.
Vậy chúng ta thấy gì khi đường đi của dòng tiền bẩn này được tái hiện?
Thứ nhất, chúng ta vẫn đang sống trong một "xã hội tiền mặt", mọi người đều có thể dễ dàng giao dịch, trao tay số tiền rất lớn mà gần như không bị kiểm soát. Có rất ít nơi trên thế giới mà cả đồng nội tệ và ngoại tệ lại có thể dễ dàng giao dịch trao tay với số lượng không giới hạn như ở Việt Nam. Không kiểm soát được dòng tiền luân chuyển trong xã hội thì không chỉ khó khăn trong phòng chống tham nhũng mà còn rất khó kiểm soát các hoạt động kinh tế và tội phạm mờ ám khác.
Thứ hai, chúng ta vẫn chưa có quy định đủ mạnh về trách nhiệm giải trình tài sản, đặc biệt là vẫn chưa có quy định để xử lý "tài sản bất minh" trừ khi tài sản đó bị điều tra, xét xử khẳng định là do phạm tội mà có.
Tháng 11-2018, khi thông qua Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Quốc hội đã quyết định không đưa quy định "về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc" vào luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi ấy giải trình rằng "đây là vấn đề mới, lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này" và "việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm để đánh thuế hoặc thu hồi là vấn đề rất phức tạp".
Nhưng đối với nhiều quốc gia trên thế giới, điều này không còn là vấn đề mới và phức tạp. Một số nước đã trao quyền cho tòa án tịch thu, sung công khi người có tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của tài sản mà họ nắm giữ, trong khi nhiều nước khác lựa chọn cách thức đánh thuế rất nặng đối với các tài sản dạng này.
Nếu chúng ta có các quy định như vậy thì tài sản, số tiền lớn mà ông Thành, ông Thái và gia đình đem đi giao dịch, cũng như khối tài sản kếch xù của bà Nhàn đều thuộc đối tượng bị kiểm soát và xử lý ngay cả khi vụ án chưa bị điều tra.
Thứ ba là đấu thầu. Vụ án này xảy ra khoảng mười năm trước, các bị can đã nhận hối lộ để "tạo điều kiện cho AIC trúng thầu". Khi ấy, dư luận đề cập nhiều đến tình trạng thông thầu, quân xanh quân đỏ, chỉ định thầu tràn lan...
Từ đó đến nay, pháp luật về đấu thầu đã được sửa đổi, bổ sung, nhiều kẽ hở đã được bịt lại. Nhưng thực tế lại cho thấy một vấn đề khác cần giải quyết, hôm qua có đại biểu lên tiếng tại nghị trường về dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi): "Có quốc gia nào đấu thầu khốn khổ như chúng ta không?".
Vâng, bài toán đặt ra cho các nhà lập pháp là soạn được đạo luật vừa chặt chẽ, chống được tiêu cực mà lại không trói buộc, gây khó khăn cho người thực hiện. Thủ tục đấu thầu nếu trói buộc, gây lãng phí thời gian, cơ hội, làm trì trệ lĩnh vực nào đó thì hệ lụy gây ra đôi khi còn lớn hơn cả tham nhũng.
TTO - Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - người thành lập "đế chế" AIC - trong quá trình phát triển đã tham gia và trúng thầu cung cấp thiết bị y tế, giáo dục khắp các địa phương.
Xem thêm: mth.7065818061112202-nab-neit-auc-id-gnoud/nv.ertiout