Thị trường đỏ lửa, khối ngoại đang tích cực gom hàng. Trong ảnh: tại một công ty chứng khoán ở TP.HCM - Ảnh: B.MAI
Trong phiên 15-11, cung áp đảo cầu, có lúc chỉ số VN-Index giảm hơn 40 điểm nhưng sau đó chính thức khép phiên với mức giảm hơn 29 điểm, lùi về mốc 911,9 điểm - thấp nhất trong hơn hai năm nay (kể từ tháng 10-2020).
Khối ngoại "ra tay" nhân cổ phiếu giá rẻ
Giữa lúc nhà đầu tư trong nước liên tục bán tháo, diễn biến giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài được chú ý hơn cả khi mua ròng hơn 1.185 tỉ đồng trong phiên, nâng tổng giá trị mua ròng của nhóm này lên tới 7.400 tỉ đồng trong bảy phiên liên tiếp.
Tính từ khi lập đỉnh vào đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index đã bị giảm hơn 40% (hơn 616 điểm), nhiều cổ phiếu cũng bị rớt từ 30 - 80%. Chỉ một tuần nay, nhà đầu tư nước ngoài cũng tranh thủ gom cổ phiếu để tăng tỉ lệ sở hữu, trở thành cổ đông lớn tại các doanh nghiệp lớn.
Điển hình như nhóm quỹ thuộc Dragon Capital cho biết vừa mua xong 300.000 cổ phiếu FRT, nâng tổng lượng cổ phiếu sở hữu lên 6,2 triệu, tương ứng tỉ lệ sở hữu 5,23%, chính thức trở thành cổ đông lớn tại Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT.
Bên cạnh đó, nhóm Dragon Capital cũng vừa chi hơn 380 tỉ đồng mua thêm 19 triệu cổ phiếu KDH, giúp tăng tỉ lệ sở hữu từ 4,99% lên 7,64%, chính thức trở thành cổ đông lớn của Nhà Khang Điền. Cũng trong vòng một tuần nay, một quỹ khác là VinaCapital đã mua 10 triệu cổ phiếu KDH, nâng tỉ lệ sở hữu từ 0% lên 1,41%.
Sau khi trở thành cổ đông lớn tại Công ty CP Vĩnh Hoàn vào tháng 10 vừa qua, đến giữa tháng 11 này, Dragon Capital cũng chi ra hơn 21 tỉ đồng để mua thêm 282.000 cổ phiếu VHC, nâng tỉ lệ sở hữu lên trên 6%.
Thâu tóm có thể sẽ tăng
"Giá cổ phiếu càng giảm thì khối ngoại càng đổ tiền vào, cơ hội mua hàng sale-off, cơ hội để thâu tóm doanh nghiệp với giá rẻ" - TS Nguyễn Hữu Huân, trưởng bộ môn tài chính Trường đại học Kinh tế TP.HCM, phân tích.
TS Huân dẫn chứng, trong hai năm đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, khối ngoại đã bán ròng hơn 81.150 tỉ đồng (3,5 tỉ USD), trái ngược với cảnh mua ròng của nhà đầu tư trong nước.
"Lúc nhà đầu tư nội rót tiền và đẩy thị trường lên cao, nhà đầu tư ngoại mang số cổ phiếu đã tích lũy từ trước ra bán giá đỉnh. Giờ nhà đầu tư trong nước bán tháo, họ tích cực mua vào, tạo chu kỳ mới", TS Huân nói.
Với diễn biến hiện tại, nhiều khả năng trong thời gian tới các thương vụ M&A (sáp nhập và mua lại) có thể gia tăng, chủ yếu công ty nước ngoài thâu tóm công ty Việt Nam.
Theo một số chuyên gia, trong lúc dòng vốn bế tắc, không loại trừ trường hợp nhiều doanh nghiệp Việt buộc phải "bán mình" cho đối tác ngoại với giá rẻ. Nhưng điểm tích cực là bên bán vẫn thu được một số tiền nhất định, doanh nghiệp không phải tuyên bố phá sản.
HoSE công bố loạt báo cáo khối ngoại gom cổ phiếu Việt
Ngày 11-5, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) cũng đăng tải hàng loạt báo cáo của các nhà đầu tư nước ngoài về việc đã mua xong cổ phiếu của doanh nghiệp Việt.
Bà Trương Ngọc Phương - đại diện công bố thông tin của năm nhà đầu tư nước ngoài có dòng vốn từ Đài Loan, Na Uy… đang được quản lý bởi Quỹ Dragon Capital - cho hay mới mua tổng cộng 483.500 cổ phiếu DPM (Đạm Phú Mỹ), nâng tỉ lệ sở hữu lên trên 7%.
Năm quỹ thành viên của Dragon Capital cũng mua 1,1 triệu cổ phiếu PVD (PetroVietnam Drilling), nâng tỉ lệ sở hữu từ xấp xỉ 8,9% lên hơn 9,1%. Với thị giá thấp, nhóm quỹ ngoại chỉ bỏ ra hơn 16,1 tỉ đồng.
TTO - Giữa lúc thị trường chứng khoán lao dốc, cổ phiếu bị rớt giá mạnh, trái ngược với cảnh bán tháo của nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng sáu phiên liên tiếp với tổng giá trị hơn 6.200 tỉ đồng.
Xem thêm: mth.46984013251112202-teiv-ueihp-oc-hnam-mog-iaogn-iohk-er-auq-aig/nv.ertiout