Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát gia tăng trên quy mô toàn cầu đang đẩy nền kinh tế thế giới đến nguy cơ trì trệ, xu hướng suy thoái kinh tế là khó tránh khỏi. Hệ quả của quá trình này là tiêu dùng sụt giảm, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gãy đổ, chi phí logistics tiếp tục tăng cao, doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất khẩu khó khăn…
Cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất
Thực tế, khó khăn về đơn hàng xuất khẩu thời gian gần đây đã bao trùm nhiều DN, nhiều lĩnh vực. Một khảo sát của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (Hepza) cho thấy có 51% DN xác nhận đã bị giảm đơn hàng, ảnh hưởng đến việc làm của gần 6.000 công nhân - lao động. Trong đó, nhóm đơn hàng bị ảnh hưởng nặng nhất thuộc các ngành hàng nữ trang, thời trang cao cấp, đồ gỗ…
Nguyên nhân được DN giải thích là do người dân các nước châu Âu, Mỹ đang bước vào mùa đông khó khăn vì giá nhiên liệu, khí đốt cùng nhiều loại chi phí khác tăng cao, tình hình an ninh - chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn… Họ buộc phải cắt giảm chi tiêu, mua sắm. "Số DN bị ảnh hưởng thực tế chắc chắn cao hơn con số 51% bởi một số DN không công bố thông tin" - đại diện Hepza nêu.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, cho biết không chỉ nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường bị giảm sút mà nhu cầu trong nước cũng giảm nhẹ dù đang trong chu kỳ mua sắm cuối năm. Trước những khó khăn chung như vậy, các DN đang cố gắng mọi cách để giữ ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm cho nhân công.
"Thống kê chung là đơn hàng của các DN ngành dệt may thêu đan tại TP HCM đã giảm đến 30%-40%. Một số DN còn giữ được khoảng 80% đơn hàng nhưng cũng có nhiều DN giảm đến 50%, buộc phải tạm ngừng hoạt động hoặc giảm số ngày làm trong tuần để giữ việc làm cho công nhân" - ông Hồng thông tin thêm.
Sản xuất bún tươi tại Công ty CP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nguyễn Bính, quận Tân Bình, TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đại diện các DN ngành dệt may thêu đan TP HCM nhấn mạnh không DN nào muốn cắt giảm lao động. Đặc biệt, DN nhỏ và vừa của Việt Nam dù khó khăn nhưng vẫn nỗ lực tối đa để giữ lao động để chờ thị trường phục hồi, một phần vì tình cảm gắn bó giữa chủ DN và người lao động. Tuy nhiên, hiện tại rất khó tìm kiếm khách hàng mới, đơn hàng mới nên DN chỉ có thể cắt giảm tối đa chi phí sản xuất, giảm giờ làm hoặc chia ngày cho công nhân nghỉ luân phiên. Trước mắt, giải pháp này giúp người lao động có việc làm, có thu nhập dù thu nhập sụt giảm so với trước; DN không phải cắt giảm, sa thải lao động cuối năm.
Bà Lê Bích Loan, Phó Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, cho biết các DN trong khu cũng bắt đầu chịu ảnh hưởng chung bởi tình hình lạm phát và xu hướng suy thoái kinh tế toàn cầu. "Kế hoạch năm 2022 các DN đều đạt chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, bảo đảm lương thưởng cho người lao động nhưng năm 2023 dự kiến sẽ thấm đòn suy giảm" - bà Loan nêu dự báo.
Theo bà Loan, do tình hình khó khăn chung nên các DN chủ yếu thực hiện cắt giảm chi phí, tối ưu hóa sản xuất để vượt qua thời kỳ khó khăn. Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng để cắt giảm chi phí là tìm kiếm nhà cung cấp tại chỗ nhằm thay thế nhà cung cấp nước ngoài, tăng tỉ lệ nội địa hóa để giảm chi phí nhập khẩu, logistics…
"Đây cũng là cơ hội cho các DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN lớn trong nước lẫn nhà sản xuất quốc tế. Những tập đoàn lớn như TTI, Samsung, Intel, Datalogic… đang tích cực tìm kiếm nhà cung cấp nội địa. Nhiều DN trong khu cũng tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành và hội nghị kết nối cung cầu công nghiệp hỗ trợ do TP HCM tổ chức để tìm kiếm nhà cung cấp tiềm năng" - bà Loan thông tin thêm.
Tránh đầu tư dàn trải
Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nhận định kinh tế thế giới hiện nay không gọi là khủng hoảng và các nhà kinh tế quốc tế cũng nhận định như vậy. Đây là giai đoạn "tai nạn" do COVID-19 với hệ thống tài chính của các nước vẫn vững mạnh. Khi đã là "tai nạn" thì cấu trúc của hệ thống tài chính và kinh tế có khả năng phục hồi nhanh.
Bằng chứng là kinh tế Mỹ quý III/2022 đã có dấu hiệu phục hồi tốt. Tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ rất thấp, kể cả 2 quý trước đó khi GDP giảm tốc nhưng người tiêu dùng vẫn có thu nhập, có việc làm chỉ là không chịu chi tiêu vì lo ngại thu nhập trong tương lai bị ảnh hưởng. Ở châu Âu, tình hình cũng tương tự. Hiện đồng USD ở quốc tế đã đạt đỉnh và đang trên đà giảm, Mỹ có thể sẽ giảm lộ trình tăng lãi suất thay vì duy trì mức tăng 0,75% như những lần điều chỉnh vừa qua.
Còn ở Việt Nam, theo TS Lê Xuân Nghĩa, hệ thống ngân hàng, chủ yếu là Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại nhà nước đang nắm giữ khoảng 900.000 tỉ đồng tiền đầu tư công của Chính phủ nhưng không được phép cho vay ra.
"Bài toán cho nền kinh tế lúc này cần phải tìm cách giải phóng khoản vốn này bằng cách tạm ứng cho các DN đã có dự án đầu tư công để có tiền triển khai dự án. Đồng thời, có thể nghiên cứu trích một nửa trong số này, khoảng 500.000 tỉ đồng, thành lập khẩn trương quỹ bão lãnh trái phiếu DN hoặc quỹ bình ổn thị trường trái phiếu chẳng hạn, như Chính phủ Trung Quốc và Hàn Quốc đang làm" - TS Lê Xuân Nghĩa kiến nghị.
Giải pháp nêu trên - nghĩa là quỹ trên có thể bảo lãnh cho các DN phát hành trái phiếu có tài sản bảo đảm tốt và tài sản bảo đảm này được cầm cố tại quỹ. Khi trái phiếu đến hạn, quỹ sẽ thanh toán trái phiếu cho nhà đầu tư thay DN hoặc ngân hàng hay nhà đầu tư mua trái phiếu đã đến hạn sẽ yên tâm khi có bảo lãnh của Chính phủ.
Ông Phạm Thiên Quang, Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư - Công ty Chứng khoán VNDirect, cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng cho dài hạn, bao gồm nền tảng cho tăng trưởng dài hạn ở mức cao, cơ cấu dân số trẻ, tầng lớp trung lưu tăng, là trung tâm sản xuất của khu vực trong bối cảnh Trung Quốc theo đuổi chính sách "Zero COVID"… Khó khăn hiện nay chủ yếu do chưa có công cụ quản lý khắc phục phù hợp.
Trong giai đoạn khó khăn hiện tại, theo ông Phạm Thiên Quang, các DN cần định hướng xây dựng sức khỏe tài chính phù hợp; cần phòng thủ, hạn chế đầu tư dàn trải không hiệu quả, tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Giảm đòn bẩy tài chính thời điểm này, tập trung vào quản trị nguồn vốn, tính toán các phương án nguồn vốn dự phòng phù hợp. Tập trung vào các hoạt động tạo ra dòng tiền kinh doanh…
"Dòng tiền tiết kiệm trong dân vẫn rất lớn và nếu được dẫn vốn đúng sẽ là kênh huy động hiệu quả cho nền kinh tế mà không bị phụ thuộc quá lớn vào tín dụng ngân hàng - vốn chỉ phù hợp với vốn lưu động, vốn ngắn hạn và tiền gửi thanh toán. Dòng tiền từ kiều hối hằng năm khoảng 13 tỉ USD, tiền từ đầu tư FDI hay dòng tiền đầu tư tài chính nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội cho vay và đầu tư vào những DN Việt Nam… đều đem lại cơ hội nếu biết cách tận dụng. Cơ hội và triển vọng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam là rất lớn" - ông Phạm Thiên Quang nhận định.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-11