vĐồng tin tức tài chính 365

Ông Sáu Dân - Những kỷ niệm thương quý không quên - Kỳ 8: Võ Văn Kiệt, trước lúc trở về

2022-11-16 10:36
Ông Sáu Dân - Những kỷ niệm thương quý không quên - Kỳ 8: Võ Văn Kiệt, trước lúc trở về - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đến làm việc ở Công ty Dệt Thành Công năm 1981. Ông luôn có phong thái chan hòa, lắng nghe - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Tháng 9-1975, báo Tuổi Trẻ ra đời ở TP.HCM thì báo Sài Gòn Giải Phóng đã phát hành đến số thứ 120 với 90.000 bản mỗi ngày. Báo Công Nhân Giải Phóng 25.000 bản, Phụ Nữ 25.000 bản. 5 năm sau - 1980, Tuổi Trẻ vẫn chỉ là một nội san với số lượng phát hành không quá 10.000 bản một tuần (tháng 6-2008 hơn 450.000 bản mỗi ngày).

Với những người từng đưa quân đến xâm lược và đánh thuê trên đất nước ta, chúng ta còn khép lại quá khứ, đưa tay kết bạn, huống chi là người nước mình.

Cố Thủ tướng VÕ VĂN KIỆT

Từ sổ tay người làm báo

Tháng 4-1980, Bí thư Võ Văn Kiệt hỏi: "Vì sao trước 1975 ai làm báo cũng giàu, bây giờ năm nào Tuổi Trẻ cũng ngửa tay xin tiền, xin giấy, cho đồng nào xài hết đồng ấy? Liệu còn có cách nào để tự lập không?". Và rồi chính ông đã ra quyết định: từng bước cắt tài trợ ngân sách, trả cho Tuổi Trẻ quyền tự chủ và sống nhờ vào sự chi trả của người đọc.

Tháng 5-1981, khi thị trường còn là điều cấm kỵ, nền kinh tế bị trói chết trong cơ chế tập trung và chế độ bao cấp hoang phí, ông Võ Văn Kiệt đến từng nhà máy loay hoay tiến hành những cuộc thể nghiệm không có tiền lệ. Các doanh nghiệp mới dám nói đến chuyện hai kế hoạch, ba lợi ích, thì đã có ngay lời bàn xỉa xói "bít lợi A" (bít lợi ích Nhà nước). Ông kéo nhà báo đến nhà máy trò chuyện với công nhân, làm việc với nhà khoa học, chuyên gia kinh tế tài chính, ngân hàng, với các nhà quản trị kinh doanh từng trải trong thị trường...

Chính họ, giới tinh hoa vốn có tình thân với "anh Sáu Dân" đã sớm nói không với cơ chế tập trung bao cấp, trói chết sức sản xuất và quay lưng với những sáng kiến đổi thay của con người. Chính người Sài Gòn - TP.HCM đã mở cửa nhà máy đặt quan hệ với thị trường, vô hiệu hóa chủ trương hợp tác hóa cưỡng bức, giúp cho Đảng bộ TP.HCM đi đến nghị quyết "cởi trói - bung sản xuất".

Trong sổ tay của người làm báo như tôi lúc đó, "Đêm trước đổi mới" không xuất phát từ những ý tưởng vỡ mộng, không phải từ salon của những nhà hoạch định đường lối chính sách. Việt Nam - đặc biệt là miền Nam - đã khai phá con đường đổi mới, trở lại với thị trường, từ những tổng kết thực tiễn chứ không phải từ những thất vọng giáo điều. Người Sài Gòn - TP.HCM đã bắt đầu từ nhà máy, từ đồng ruộng, từ kinh tế đặt lên bàn nghị sự của các nhà hoạch định đường lối chính sách những sản phẩm hàng hóa của ĐỔI MỚI trước khi có nghị quyết về ĐỔI MỚI.

Lúc đó, giới thạo tin nói rằng: người Sài Gòn có thừa kinh nghiệm trong kinh tế thị trường, nhưng trong dư luận xã hội thì lại kháo nhau: "Ông Sáu Dân chịu chơi, dám bứt phá, mở đường".

Nỗi niềm chính trường

Thôi làm Thủ tướng, ông Sáu Dân có nhiều thời gian để chia sẻ với nhà báo những chuyện sâu kín của một chính khách, những sự thật cần cho tương lai.

Ngày 30-4-2005, ông kể: "Khi giữ cương vị bí thư Thành ủy TP.HCM, tôi có dịp trò chuyện với Đức tổng giám mục Nguyễn Văn Bình. Một lần, cùng Tổng giám mục đến thăm các cháu thiếu nhi vui chơi trong vườn Tao Đàn, tôi nói với cụ: "Nhìn những cháu bé đang chơi với nhau ấy, làm sao có thể phân biệt được cháu nào có đạo, cháu nào không, cháu nào là "con quốc gia", cháu nào là con cộng sản?".

Đức Tổng nhất trí với tôi: Chỉ người lớn mới phải chịu trách nhiệm về những sự phân biệt đó". Giọng ông tiếc nuối "giá như đổi mới sớm hơn". Như một người đọc sử cho tương lai, ông dẫn người nghe vào nỗi đau của một người từng trải ở chính trường: "Nếu không giáo điều, không duy ý chí, thì đâu có phải trả giá đắt như giai đoạn 1975-1985".

Lúc này giới quan sát bắn tin cho nhau về một dự báo lạc quan khả năng có bước đột phá về chính trị, 2005 - đêm trước của Đại hội X, thời điểm đã chín cho một cuộc vận động "đổi mới lần thứ 2". Từ đầu tháng 4-2005, khi đi tìm một cuộc phỏng vấn độc quyền, chúng tôi biết nhiều đồng nghiệp đã đến trước.

Trả lời phỏng vấn báo Quốc Tế (Bộ Ngoại giao), ông Sáu Dân nói: "Sau 30 năm, một sự kiện liên quan đến chiến tranh, khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì tiếp tục làm nó thêm rỉ máu. Với những người từng đưa quân đến xâm lược và đánh thuê trên đất nước ta, chúng ta còn khép lại quá khứ, đưa tay kết bạn, huống chi là người nước mình...

Về đối nội, theo tôi, đã đến lúc ta phải nhìn nhận công lao, sự đóng góp to lớn của các tầng lớp người Việt yêu nước từng sống trong lòng chế độ cũ, hiện ở trong nước hay ở bên ngoài. Bản thân tôi cùng với anh em được giao tiếp quản Sài Gòn năm 1975, một Sài Gòn nguyên vẹn sau một cuộc chiến tranh như vậy, tôi nghĩ không thể không nói đến vai trò của nội các Dương Văn Minh và các lực lượng chính trị đối lập với Mỹ - Thiệu, có quan hệ với chính phủ Dương Văn Minh lúc bấy giờ".

Trên báo Lao Động, ông Sáu Dân cũng trải lòng: "Phải thông hiểu sâu sắc truyền thống của dân tộc Việt Nam, lòng yêu nước thương nòi trong mỗi trái tim người Việt Nam, cho dù sự biểu hiện có thể rất khác nhau với nhiều hoàn cảnh không giống nhau, thì mới đánh giá đúng sự kiện 30-4-1975...

Chúng ta cần ôn lại để tự soi sáng cho mình trong những bước đi sắp tới. Không có một tình huống nào mà không có lối ra. Chỉ cần chúng ta biết thật sự cầu thị, dám vượt qua chính mình, chân thành lắng nghe và trân trọng tiếp thu những tiếng nói trung thực của mọi người Việt vốn nặng lòng với đất nước, mở rộng dân chủ để mọi sáng kiến, mọi kế sách tâm huyết đến được với những nơi cần đến, nhất định sự nghiệp của chúng ta sẽ giành được thắng lợi".

Là người luôn có những ý tưởng đột phá, ông Sáu Dân có thế mạnh của người trong cuộc, trong tổ chức, trăn trở, động não khi bị buộc phải khép mình chờ đợi, nhưng xuyên suốt vẫn là khả năng vượt qua chính mình, vượt ra khỏi cái trật tự lỗi thời, ông thường gọi là "vật cản" để có được những quyết định cải cách. Bị ngộp trong không gian hẹp của những giáo điều cấm kỵ, ông tìm niềm vui sống khi tự đặt mình, đúng hơn là tìm đến với những nơi, những người có thể đặt lên bàn những cuộc tranh luận những sự kiện mới, những ý tưởng mới, những chọn lựa khác mình.

Ông sợ nhất là bệnh giáo điều, xa dân, xa thực tế và quay lưng với sự thật, lãnh cảm với con người và những phát kiến đổi thay. Người có lòng tốt, thông tuệ tìm đến ông, trao không cho ông cái túi khôn của thiên hạ, với nhiều kỳ vọng...

Ông Sáu Dân - Những kỷ niệm thương quý không quên - Kỳ 8: Võ Văn Kiệt, trước lúc trở về - Ảnh 3.

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm báo Tuổi Trẻ nhân dịp khánh thành trụ sở mới của báo năm 2005 - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Món nợ kỳ vọng gửi trang báo ngày mai

Về hưu, ông Sáu Dân thường tự đặt mình trước những câu hỏi về thể chế chính trị, nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, xã hội công dân, tự do ngôn luận... Tháng 9-2007, ông vận động sáng lập "Viện Nghiên cứu phát triển IDS" gồm những nhà khoa học lớn với những khát khao lớn: nghiên cứu, tư vấn các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế và xã hội; đưa ra các giải pháp, những kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước.

Tháng 12-2007, ông nhận làm Chủ tịch danh dự "Trung tâm Nghiên cứu Saigon Times", gặp gỡ các nhóm nghiên cứu phát triển "Diễn Đàn" ở Pháp, các nhà nghiên cứu chính sách Mỹ-Việt (Think tank) - vừa nghiên cứu khoa học phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước, vừa dọn đường cho sự hợp tác phát triển chiến lược giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản...

Ông có nhiều bạn, nhiều cộng sự, nhiều cố vấn có tầm giải quyết những vấn đề quốc gia trong đời sống toàn cầu. Một ông Võ Văn Kiệt "giàu vì bạn" và mang "nợ kỳ vọng" của nhiều người.

Khác với những năm 1980, giờ đây trước lúc trở về, ông có tầm nhìn và trí tuệ của một cuộc tập hợp lớn cần cho bước chuyển lớn của Việt Nam ở đầu thế kỷ 21, nhưng lúc này "Sáu Dân không còn đủ quyền lực để trả nợ cho những kỳ vọng của nhân dân". Đó là những gì ông đã gửi lại cho bất cứ ai còn nhận mình là nhà báo Việt Nam, gửi lại cho những trang báo của ngày mai...

****************

"Tôi chuẩn bị bay từ Mỹ về Việt Nam thì nhận cuộc gọi của anh Sáu Dân yêu cầu về đến Hà Nội, phải gặp anh ngay. Đó là thời điểm Mỹ chuẩn bị bình thường hóa quan hệ với mình, bước ngoặt vô cùng quan trọng".

Kỳ tới: Ông Sáu Dân và năm tháng bước ngoặt đất nước

Ông Sáu Dân - Những kỷ niệm thương quý không quên: Vị Thủ tướng bản lĩnh và cuộc họp báo trên khôngÔng Sáu Dân - Những kỷ niệm thương quý không quên: Vị Thủ tướng bản lĩnh và cuộc họp báo trên không

TTO - Đó là cuộc họp báo vào sáng 17-12-1995, ngay trên chuyên cơ từ Bangkok về Hà Nội.

Xem thêm: mth.21502049061112202-ev-ort-cul-court-teik-nav-ov-8-yk-neuq-gnohk-yuq-gnouht-mein-yk-gnuhn-nad-uas-gno/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ông Sáu Dân - Những kỷ niệm thương quý không quên - Kỳ 8: Võ Văn Kiệt, trước lúc trở về”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools