Vừa qua, tại hội thảo về đầu tư do UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp cùng Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCI France VietNam), KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức có những ý kiến đặt vấn đề rất hay với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xoay quanh việc vì sao nên chọn đầu tư vào địa phương này.
Bà Rịa-Vũng Tàu có thế mạnh vượt trội về du lịch
Một nhà đầu tư người Pháp bày tỏ, ông rất ấn tượng với cảng Cái Mép-Thị Vải của Bà Rịa-Vũng Tàu. Ông đặt vấn đề trong số các ngành nghề ưu tiên kêu gọi đầu tư thì Bà Rịa-Vũng Tàu ưu tiên hai ngành trọng tâm là khí hóa lỏng, dầu khí, vậy tỉnh có kế hoạch phát triển các ngành nghề khác, ví dụ như ngành du lịch hay không?
Khu nghỉ dưỡng 5 sao The Grand Ho Tram Strip tại huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu-Ảnh:HS |
Ông Thibaut Giroux, chủ tịch CCI France VietNam cũng đặt câu hỏi: “Nếu ngày mai có một nhà đầu tư gọi điện thoại cho tôi và nói rằng đang băn khoăn không biết nên đầu tư vào Hải Phòng hay Bà Rịa-Vũng Tàu thì tôi nên tư vấn cho họ thế nào?”
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có câu trả lời đầy đủ, thuyết phục.
Cụ thể, với lợi thế về tự nhiên, Bà Rịa-Vũng Tàu được Chính phủ quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dầu khí đặc biệt là ngành hóa dầu. Tỉnh cũng được quy hoạch trở thành một vùng du lịch đẳng cấp quốc tế với lợi thế hơn 300km bờ biển.
Môi trường sinh thái đa dạng, biển sạch đẹp là điểm hấp dẫn du khách đến Côn Đảo-Ảnh: HS |
Trong đó có những bờ biển đặc biệt như Côn Đảo và đường bờ biển dài khoảng 100km từ Vũng Tàu tới Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), có thể tắm biển quanh năm.
Hiện tỉnh đang đầu tư hệ thống đường giao thông ven biển dài 84km với 6 làn xe kết nối với đường Liên cảng, cầu Phước An để vào cao tốc Bến Lức-Long Thành; cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Như vậy, tỉnh có đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch.
Phối cảnh cầu Phước An chuẩn bị khởi công nối đường Liên cảng Cái Mép-Thị Vải với Đồng Nai để vào cao tốc Bến Lức-Long Thành-Ảnh:BQLDA |
Về sự phát triển của ngành du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã được đưa vào trong Nghị quyết số 24 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sau khi sân bay Quốc tế Long Thành khánh thành giai đoạn 1 năm 2025 thì hệ thống giao thông kết nối đến Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ hoàn thiện. Du khách đến sân bay Long Thành dễ dàng di chuyển đến các KDL của tỉnh.
Du khách quốc tế quay trở lại Côn Đảo sau dịch COVID-19 hồi đầu tháng 10-2022-Ảnh:MC |
Hệ thống giao thông liên vùng thông suốt
Trong quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thì sân bay Côn Đảo được Chính phủ quy hoạch đầu tư thành sân bay cấp 4A, các tàu bay cỡ lớn sẽ đáp được xuống sân bay Côn Đảo thay vì chỉ loại máy bay nhỏ như hiện nay.
Ông Nguyễn Công Vinh khẳng định: “Bà Rịa-Vũng Tàu về phát triển cảng biển đặt trong sự cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Bà Rịa-Vũng Tàu và Hải Phòng đều là hai cảng biển đặc biệt của quốc gia. Các nhà đầu tư chọn đầu tư tại Bà Rịa-Vũng Tàu hay Hải Phòng đều mang lại lợi ích cho quốc gia, Việt Nam. Chúng tôi tin rằng nhà đầu tư sẽ tìm hiểu để chọn lựa nơi đầu tư thuận lợi nhất."
Phối cảnh trung tâm Logistic Cái Mép Hạ- Ảnh:Portcoast |
Theo ông Vinh, Bà Rịa-Vũng Tàu rất thuận lợi vì ở gần sân bay Quốc tế Long Thành, hệ thống giao thông kết nối tương lai rất tốt, hệ sinh thái tốt.
Trong quy hoạch, vùng Đông Nam Bộ là trung tâm kinh tế biển quốc gia. Bà Rịa-Vũng Tàu đặt trong vị thế khác hẳn so với trước đây. Tỉnh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư yên tâm đến tìm hiểu và đầu tư tại tỉnh trong hiện tại và tương lai.
Tàu hàng cập cảng Gemalink Cái Mép-Thị Vải-Ảnh:TK |
Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Tổng giám đốc KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3 trao đổi thêm một số ý: “KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3 chúng tôi hiện nay có nhiều tập đoàn lớn từ Mỹ, Hàn Quốc, Châu Âu, Nhật Bản đến lựa chọn đầu tư.
Khi quyết định đầu tư họ đều có sự so sánh. Tùy theo ngành nghề, thị trường kinh doanh các doanh nghiệp sẽ lựa chọn nơi đầu tư… Nếu doanh nghiệp chọn những vùng nguyên vật liệu từ nội Á nhưng sản xuất xong mà thị trường của họ là châu Âu hoặc châu Mỹ và các nước khác thì họ thường chọn đầu tư tại Bà Rịa-Vũng Tàu”.
Một góc đường liên cảng- Ảnh:TK |
Bà Rịa-Vũng Tàu có những lợi thế so với nơi khác đó là hệ thống khí gas và cảng hàng lỏng, cảng để nhập hàng lớn. Thứ hai là cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải có những chuyến hàng đi trực tiếp đi châu Âu và châu Mỹ.
70% sản lượng nguyên vật liệu thép trong các ngành công nghiệp cơ bản nằm ở Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ngoài ra, Bà Rịa-Vũng Tàu gần TP.HCM-trung tâm tài chính, kinh tế năng động nhất cả nước. Bên cạnh đó, tỉnh nằm trong vùng kinh tế Đông Nam Bộ - vùng đóng góp gần 40% GDP của cả nước.
“Đó là lý do vì sao nhiều khách hàng của chúng tôi chọn đầu tư tại Bà Rịa-Vũng Tàu”- bà Nhi phân tích.
“Phát triển mạnh kinh tế biển, dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ ngành dầu khí và du lịch biển.
Phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, bao gồm cả cảng biển du lịch và các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hoá, thể thao, các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao…
Tiểu vùng ven biển gồm khu vực Cần Giờ (TP.HCM) và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là khu vực phát triển mạnh các ngành kinh tế biển: Cảng biển, logistics, khai thác dầu khí, hóa dầu, du lịch biển, đảo, khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản.
Hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ. Phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế…”
(Trích Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị)