Ngày 16-11, ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết trong thời gian chờ nghị quyết ban hành có hiệu lực, UBND TP đang xây dựng một kế hoạch cụ thể để báo cáo với tỉnh về thực hiện cơ chế đặc thù cho TP Buôn Ma Thuột.
“Đòn bẩy” cho Buôn Ma Thuột
Ngày 15-11, vừa nắm được thông tin Quốc hội bấm nút, thông qua nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột, anh Y Jon Bkrông, Bí thư chi Đoàn buôn Ale B, phường Ea Tam (TP Buôn Ma Thuột) không giấu được niềm vui mừng. Anh tin rằng cơ chế mới sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của thanh niên về các hoạt động khởi nghiệp, phát triển bản thân.
Ngã Sáu - Trung tâm TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: HG |
Còn ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển An Thái, cho rằng khi áp dụng cơ chế đặc thù cho một TP thì những điều kiện, những cơ chế ưu đãi được áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực từ hạ tầng, du lịch, văn hóa, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực… đều được nâng lên. Khi tất cả những điều kiện này được nâng lên thì hạ tầng xung quanh, hay gọi là hệ sinh thái xung quanh các doanh nghiệp được cải thiện rất nhiều và như vậy các doanh nghiệp cũng sẽ thuận lợi hơn trong vấn đề đầu tư.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên, lâu nay người ta vẫn hay gọi TP Buôn Ma Thuột là trung tâm của tỉnh Đắk Lắk và trung tâm của vùng Tây Nguyên nhưng chủ yếu để chỉ về yếu tố địa lý. Trên thực tế, để Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội...
Buôn Ma Thuột từng được công nhận là một trong những TP xanh, sạch, đẹp của cả nước. Ảnh: VŨ LONG |
“Tôi cho rằng nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua sẽ là “đòn bẩy”, góp phần biến những yếu tố lợi thế, tiềm năng của địa phương thành lợi thế cạnh tranh để vươn lên, trở nên nổi bật, vượt trội hơn…” – Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy chia sẻ.
Hướng đến “Thành phố cà phê của thế giới”
Theo ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc ban hành nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù đối với TP Buôn Ma Thuột nhằm thực hiện chủ trương, định hướng phát triển TP theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị, phù hợp với điều kiện, thế mạnh của TP.
Nghị quyết này cũng góp phần thể chế hóa Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đường Lê Duẩn - TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: VŨ LONG |
Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, cho hay với cơ chế này, nguồn lực tài chính sẽ tiếp tục được đầu tư hạ tầng đô thị, trong đó cải tạo các con suối trên địa bàn TP, tạo cảnh quan đặc thù cho TP xanh, sinh thái và mang bản sắc riêng. Đồng thời, phát triển dịch vụ đô thị, an sinh xã hội, ưu tiên đầu tư cho các xã đang xây dựng nông thôn mới, các buôn dân tộc thiểu số trên địa bàn.
“Những cơ chế chính sách khác cũng sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình phát triển của TP trong thời gian tới. Ngoài ra, Chính phủ cũng giao cho tỉnh Đắk Lắk và TP Buôn Ma Thuột xây dựng đề án đưa TP Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”. Đây là những nhân tố sẽ góp phần phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị xanh, sinh thái, bản sắc” – ông Vũ Văn Hưng thông tin.
Được áp dụng nhiều cơ chế đặc biệt
Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023 và được thực hiện trong 5 năm.
Theo đó, nghị quyết này quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch; ưu đãi thu hút đầu tư; ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt…
Nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù đưa ra nhiều ưu đãi về thuế cho các dự án đầu tư vào TP Buôn Ma Thuột 5 năm tới. Trong đó, doanh nghiệp đầu tư tại thành phố ở các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản; y tế, giáo dục, du lịch... sẽ được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm một nửa số thu thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp 9 năm tiếp theo.
Ngoài ưu đãi thuế, tỉnh Đắk Lắk được vay tối đa 40% số thu ngân sách. Phần dư nợ tăng thêm được dành để đầu tư các dự án tại Buôn Ma Thuột. Được phân bổ thêm 45% theo tỉ lệ phần trăm định mức chi. Số chi tăng thêm được bố trí chi cho các nhiệm vụ chi của TP.
Về quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND tỉnh Đắk Lắk điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị của TP Buôn Ma Thuột. Ngoài ra, ưu đãi miễn thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt.