Ngày 15-11, ví điện tử Google - Google Wallet - đã chính thức có mặt tại Việt Nam. Google Wallet cho phép chủ thẻ thanh toán Visa của các ngân hàng (NH) ACB, Sacombank, Shinhan Bank, TP Bank, Techcombank (áp dụng cho thẻ tín dụng), Vietcombank và VPBank có thể thêm thẻ của mình vào ví điện tử này, thanh toán bằng điện thoại Android hoặc thiết bị đeo Wear OS ở bất kỳ nơi nào chấp nhận thanh toán không tiếp xúc.
Hướng đến hàng triệu người dùng Android
Với thông tin này, giới chuyên môn nhận định thị trường thanh toán không tiền mặt, nhất là ví điện tử ở Việt Nam, sẽ rất "nóng". Bởi lẽ, Google Wallet là một đối thủ đáng gờm nhờ lượng người sử dụng điện thoại Android và hệ sinh thái Google rất lớn.
Ông Chen Way Siew, Trưởng nhóm Phát triển đối tác của Google Wallet, Google châu Á - Thái Bình Dương, cho hay Google Wallet rất dễ sử dụng vì người dùng không cần chuyển tiền vào ứng dụng. "Google Wallet hoạt động như một công cụ lưu trữ kỹ thuật số chứa các phiên bản điện tử của sản phẩm hiện vật trong ví cầm tay của người dùng, như thẻ thanh toán. Chỉ cần thêm thẻ thanh toán vào Google Wallet là có thể chạm để thanh toán an toàn tại các cửa hàng và mua sắm trực tuyến" - ông giải thích.
Theo công ty thanh toán điện tử Visa, bằng cách lưu trữ thông tin thẻ Visa trên Google Pay trong ví điện tử Google Wallet, khách hàng sử dụng thiết bị của mình để mua hàng trực tuyến, tại cửa hàng và giao dịch thanh toán thông qua các ứng dụng số. Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, cho biết các thiết bị di động đang rất phổ biến tại Việt Nam, người tiêu dùng sử dụng để giữ liên lạc, kinh doanh và giải trí. Việc ra mắt ví điện tử Google Wallet tăng cường lợi ích của thanh toán số đến cộng đồng người tiêu dùng rộng hơn, hỗ trợ mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia.
Theo NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), chủ thẻ Sacombank có thể dùng điện thoại thông minh hệ điều hành Android thanh toán bằng hình thức "chạm" vào máy POS đặt tại các điểm chấp nhận thanh toán và các giao dịch qua website, ứng dụng hỗ trợ thanh toán qua Google Wallet. Việc này góp phần đa dạng phương thức thanh toán cho chủ thẻ Sacombank Visa.
Sự tham gia của Google Wallet được nhận định sẽ khiến thị trường thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam thời gian tới trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết. Ảnh: TẤN THẠNH
Bứt phá thanh toán từ QR code
Các chuyên gia tài chính nhìn nhận việc thị trường có thêm nhiều phương thức thanh toán không tiền mặt mới đòi hỏi các đơn vị tham gia phải không ngừng đổi mới về công nghệ, sản phẩm, nhất là an toàn, bảo mật để tạo niềm tin cho người dùng.
Vài năm trở lại đây, xu hướng thanh toán không tiền mặt đã trở nên mạnh mẽ tại Việt Nam. Theo NH Nhà nước, tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hằng năm đạt tới hơn 90%. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, thanh toán di động ghi nhận tăng trưởng lần lượt 98,3% và 84,3% về số lượng và giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại diện Sacombank cho biết đến tháng 10-2022, số người dùng ứng dụng Sacombank Pay đạt khoảng 4 triệu, tăng 110% so với năm ngoái. Số lượng giao dịch qua ứng dụng Sacombank Pay trong 10 tháng đầu năm nay tăng 87%, riêng giao dịch thanh toán qua QR code trên ứng dụng này tăng 84% so với năm ngoái.
Nền tảng thanh toán Payoo cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng của hình thức QR code tại Việt Nam, với mức tăng trong quý III/2022 là 62% về số lượng và 53% về giá trị so với quý trước. Tính ở từng lĩnh vực, các nhóm có tỉ lệ tăng trưởng thanh toán bằng QR code mạnh mẽ nhất là siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thực phẩm, đồ uống, công nghệ…
Sự bùng nổ của thanh toán qua QR code cũng tạo cơ hội cho hộ kinh doanh, tiểu thương và doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có cơ hội ứng dụng kênh thanh toán không tiền mặt vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong đó, ví điện tử MoMo đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán di động phát triển, nổi bật nhất là hình thức thanh toán/chuyển trả bằng QR code. Với QR code nhận tiền trên MoMo, người bán, người nhận tiền chỉ cần đưa cho người mua/người chuyển QR code của mình, sau đó người chuyển nhập số tiền và bấm chuyển là hoàn tất.
Theo đại diện MoMo, với những người bán hàng nhỏ lẻ, việc sử dụng hình thức thanh toán này mang đến cơ hội tiếp cận thêm nhiều khách hàng, bên cạnh việc số hóa sổ sách, quản lý dòng tiền tốt hơn, gạt bỏ nỗi lo tiền lẻ. Sự chuyển biến hành vi thanh toán của người dùng trong thời gian qua cũng tạo sức ép cho các doanh nghiệp ở mọi quy mô ngành nghề thay đổi để thích nghi và bắt kịp xu hướng đáp ứng trải nghiệm cùng nhu cầu mới nổi của khách hàng.
Nhiều chuyên gia cho rằng trên "đường đua" thanh toán điện tử, thanh toán bằng QR code đang bứt tốc rất nhanh. Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng Giám đốc VietUnion - đơn vị phát triển nền tảng thanh toán Payoo, phân tích một trong những nguyên nhân giúp QR code ngày càng phổ biến chính là chi phí đầu tư cho hình thức thanh toán này rẻ và triển khai nhanh chóng. So với thanh toán bằng thẻ NH vốn cần đầu tư thiết bị, cấu hình kỹ thuật và được các tổ chức tài chính kiểm định, thì thanh toán bằng QR code không cần máy móc chuyên biệt.
"Vì đầu tư rẻ, triển khai nhanh nên QR code đã nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí nhất định. Chúng ta có thể thấy rõ nhất sự thành công của hình thức thanh toán này ở Trung Quốc, nơi QR code dần thay thế hầu hết các phương thức truyền thống. Tại Việt Nam, QR code cũng đang đóng vai trò quan trọng giúp chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn so với trước" - ông Lĩnh nhìn nhận.
Các giao dịch đều được mã hóa
Theo Google, quyền riêng tư và bảo mật là nền tảng quan trọng của Google Wallet - cung cấp sự bảo mật cho điện thoại Android của người dùng, bao gồm mã hóa theo tiêu chuẩn ngành. Khi người dùng sử dụng Google Wallet, các giao dịch được thực hiện bằng số thẻ thay thế (được mã hóa) dành riêng cho thiết bị và liên kết với mã bảo mật liên tục được thay đổi theo từng giao dịch.
Các NH thương mại cũng cần xác minh chủ thẻ trước khi có thể thêm thẻ vào điện thoại. Người dùng có thể đặt khóa màn hình để người lạ không thể truy cập các nội dung trên thiết bị cá nhân.
Một chuyên gia NH cho hay việc thanh toán qua ví điện tử Google sẽ có bảo mật trên điện thoại và xác thực bằng mã PIN của thẻ hoặc Smart OTP... Nếu điện thoại mất hoặc bị đánh cắp, người dùng sử dụng chức năng "Tìm thiết bị của tôi" để khóa ngay thiết bị của mình từ bất kỳ đâu; đồng thời bảo mật thiết bị bằng mật khẩu mới hoặc xóa tất cả thông tin cá nhân và chi tiết thẻ thanh toán.
Xem thêm: mth.36304011261112202-cus-gnus-ios-tam-neit-gnohk-naot-hnaht/et-hnik/nv.moc.dln