Bác sĩ Phạm Thị Phương Chi - trưởng trạm y tế phường 3, quận 6, TP.HCM - Ảnh: THU HIẾN
Trải qua ba vòng thi với nhiều thử thách, trong hơn 374 thí sinh đăng ký thi, có ba trưởng, phó trạm y tế đoạt giải nhất.
Tuổi Trẻ đã có cuộc phỏng vấn với bác sĩ Phạm Thị Phương Chi - trưởng trạm y tế phường 3, quận 6 - là một trong ba thí sinh đoạt giải nhất. Bác sĩ Phương Chi tốt nghiệp Trường đại học Y dược TP.HCM năm 2018, sau đó làm việc tại bệnh viện một thời gian. Năm 2019 bác sĩ Chi được phân công về trạm y tế phường 3, quận 6 và gắn bó với trạm cho đến nay.
* Đã từng công tác tại bệnh viện trước khi về trạm y tế làm, bác sĩ nhận định thế nào về sự khác biệt giữa hai môi trường này?
- Ban đầu khi về trạm y tế, tôi cũng rất bỡ ngỡ vì thay đổi môi trường từ bệnh viện qua trạm y tế. Tại trạm đông dân hơn, công việc dàn trải khác nhau, phải nắm từ khâu quản lý cho đến khâu điều trị nên cũng gặp chút khó khăn. Nhưng ngược lại tôi có cơ hội được tiếp xúc với nhiều bệnh hơn như: bệnh không lây nhiễm, cấp cứu ban đầu, tiêm chủng, phòng chống dịch bệnh...
* Có nhiều ý kiến cho rằng nếu bác sĩ mãi ở trạm y tế sẽ "lụt nghề" vì lâu ngày không khám bệnh sẽ bị "cùn" đi gây lãng phí?
- Không hẳn như vậy, khi bác sĩ làm việc ở trạm y tế được tiếp xúc đa dạng bệnh từ nội khoa, ngoại khoa, nhi khoa, da liễu... Tuy nhiên ở tuyến phường những bệnh về chuyên khoa chúng tôi còn hạn chế.
Tôi mong ngành y tế sẽ tổ chức nhiều lớp tập huấn về chuyên môn ngắn hạn hoặc dài hạn cho các bác sĩ tuyến phường để bổ sung về chuyên khoa, xử trí tốt hơn khi gặp những bệnh khó tạo niềm tin cho người dân hơn.
* Sau gần ba năm công tác tại trạm y tế, đã tiếp xúc với nhiều người dân đến thăm khám, mong muốn lớn nhất đối với họ tại trạm y tế là gì, thưa bác sĩ?
- Đến trạm y tế thăm khám, đặc biệt là người bệnh mãn có tâm tư với tôi rằng khi lên các tuyến trên điều trị rất tốn thời gian, phải xếp hàng dài gây nên tình trạng tuyến trên đông, tuyến dưới y tế cơ sở lại quá ít.
Tôi có hỏi nhiều người bệnh có đồng ý trở về trạm y tế phường gần nhà để tái khám thay vì phải đến bệnh viện không thì đa số họ trả lời sẵn sàng nếu trạm y tế có đủ các loại thuốc như đang được nhận tại các bệnh viện.
Không chỉ riêng trạm tôi mà rất nhiều trạm y tế hiện nay thiếu rất nhiều thuốc BHYT cho người bệnh, đặc biệt là người bệnh mãn tính. Tôi rất mong trạm y tế sẽ có đủ thuốc để thăm khám cấp thuốc cho họ.
* Ngoài vấn đề thiếu thuốc BHYT cho người dân, bác sĩ có mong muốn đề xuất gì cho nhân viên y tế đang công tác tại trạm y tế?
- Thời gian qua đặc biệt là sau dịch COVID-19, vai trò của trạm y tế ngày càng được thể hiện rõ. Ngành y tế TP cũng đã quan tâm rất nhiều đến tuyến y tế phường xã, nếu được đầu tư hơn nữa tôi tin chắc rằng tuyến y tế phường, xã sẽ trở thành cánh tay nối dài cho trung tâm y tế, bệnh viện.
Tôi mong muốn tất cả các trạm y tế được bố trí thêm nhân lực và tăng thêm thu nhập cho các y bác sĩ.
TTO - Việc thiếu nhiều loại thuốc BHYT điều trị các bệnh không lây nhiễm ở các trạm y tế tại TP.HCM trở nên cấp bách khi mới đây lãnh đạo TP đề nghị Bộ Y tế chấp thuận cho mở rộng thí điểm 40 loại thuốc BHYT của bệnh viện hạng 3, 4 cho trạm y tế.
Xem thêm: mth.66794628071112202-uen-ehgn-tul-gnohk-et-y-mart-iat-mal-is-cab/nv.ertiout